bên trên). Theo đó ta sẽ giả định, giống như Plato, các nhà khắc kỳ và các
nhà khổ hạnh tôn giáo, rằng sự tự do không cốt ở việc thỏa mãn các ham
muốn của ta, cho bằng ở trong việc làm ngơ, kìm nén, kiểm soát hay loại
bỏ chúng. Một phiên bản của quan niệm này được Kant tán thành: ta sẽ đạt
được sự tự do, thoát khỏi sự xâm hại của (bản tính) tự nhiên bằng sự tuân
phục các quy luật LUÂN LÝ vốn được chứng thực và thiết định bởi một
mình lý tính. Một quan niệm như vậy cũng hàm ý sự tự do thoát khỏi
những cưỡng chế bên ngoài của tự nhiên, xã hội, chính trị, vì chính qua con
đường của sự yêu ghét của ta mà các nhân tố ngoại tại như vậy tác động
đến ta. (Nhưng Kant, không giống nhiều người đề xuất quan niệm này, hết
sức quan tâm đến tự do chính trị).
Hegel có thiện cảm với quan niệm này, nhưng cảm thấy rằng các ham
muốn của ta và thế giới bên ngoài không thể dễ dàng bị vứt bỏ, bởi hai lý
do: sự đè nén hoàn toàn các ham muốn của ta bởi LÝ TÍNH tự nó là một
loại nô dịch, và bởi chỉ riêng lý tính của ta không thôi thì không thể hướng
dẫn cho cuộc sống hay hành động. Theo quan điểm của Hegel, các ham
muốn của ta, ở người trưởng thành văn minh, không phải là những đòi hỏi
thô thiển, hoàn toàn xa lạ với bản thân ta, trái lại, được thấm đẫm với TƯ
TƯỞNG, VĂN HÓA (giáo dục) và ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC. Nhưng điều
này có nghĩa rằng ranh giới giữa bản thân ta và cái khác sẽ thay đổi, đến
mức cái tự ngã bây giờ bao gồm nhiều môi trường xã hội vốn trước đó
được giả định là khác với bản thân ta. Hệ hình về một sự mở rộng như vậy
của tự ngã nhằm hấp thu xã hội (hay, ngược lại, sự mở rộng của việc bản
thân bị xã hội hấp thu), đối với Hegel, chính là đời sống đạo đức của người
Hy Lạp. Điều này mang đến sự tự do KHÁCH QUAN, nhưng chưa biết
đến sự tự do CHỦ QUAN, tức sự tự do theo đuổi các ham muốn của ta và
phản tỉnh một cách thuần lý về các quy điều và các học thuyết truyền
thống.
2. Hegel xem xét một số loại hình của sự quy định-bởi-cái khác, và
đáp lại chúng theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, chế độ nô lệ, hệ hình