Spinoza là natura naturans (tự nhiên sáng tạo), tương phản với natura
naturata (tự nhiên thụ tạo). Tự nhiên, giống như lĩnh vực của tinh thần,
gồm các giai đoạn hay các cấp độ (Stufen), mà Schelling gọi là “các sức
mạnh” hay các “các tiềm lực” (Potenzen), nhưng chúng không nối tiếp
nhau trong thời gian. Các giai đoạn của tự nhiên ít nhiều song hành với các
giai đoạn của tinh thần, và, ông tin rằng, “tự nhiên chỉ là trí tuệ đã bị biến
thành sự cứng nhắc của tồn tại; các phẩm chất của nó là những cảm giác bị
phai nhạt đi thành cái tồn tại; các vật thể là những tri giác có thể nói là đã bị
giết chết của nó” (THTN). Triết học tự nhiên của Schelling có một ảnh
hưởng đáng kể lên, chẳng hạn, Oken, Steffens, Schopenhauer và Hegel.
Hegel thường phê phán triết học tự nhiên của Schelling, nhất là việc
nó sử dụng các loại suy của trí tưởng tượng, nhưng ông hoàn toàn đồng ý
với khẳng định của Schelling rằng tự nhiên là “trí tuệ đã bị hóa thạch”
(versteinerte Intelligenz) (BKT I, §24A; BKT II, §247A), và sứ mệnh của
bản thân Hegel là giống với sứ mệnh của Schelling cả về mục đích chung
lẫn việc thực hiện mục đích ấy. Triết học tự nhiên khác với triết học khoa
học: chủ đề chính của triết học tự nhiên là tự nhiên xét như là tự nhiên, chứ
không phải các khoa học tự nhiên. Nhưng cả Schelling lẫn Hegel đều
không tuyên bố sẽ nghiên cứu tự nhiên một cách độc lập với các khoa học
tự nhiên. Yêu sách của hai ông rằng sẽ suy diễn ra tự nhiên, hay các chân lý
chung về tự nhiên, một cách tiên nghiệm, không có nghĩa là có thể làm
được điều đó mà không cần các chất liệu do các nhà khoa học tự nhiên
chuẩn bị (BKT I, §12).
Mối quan hệ giữa tự nhiên và ý niệm lô-gíc, hay giữa Lô-gíc học và
triết học tự nhiên, là một vấn đề gây tranh cãi. Vào cuối cuốn KHLG, Ý
NIỆM lô-gíc tự do “buông thả chính mình” (sich... entlasst) hay bằng một
“quyết định” (Entschluss) tự do tự quy định chính mình thành ý niệm
“BÊN NGOÀI” hay ý niệm “TRỰC QUAN” (anschauende, BKT I, §244)
[tức giới tự nhiên]. Chữ Entschluss sinh ra từ động từ (sich) entschliessen,
vốn ban đầu có nghĩa là “(tự) khai mở chính mình” và tiếp đầu ngữ ent-,