thường cho rằng phương pháp của ông là so sánh các HIỆN TƯỢNG
(Erscheinung) với sự QUY ĐỊNH khái niệm (Begriffsbestimmung) (chẳng
hạn, BKT II, §323A), ngụ ý rằng có một sơ đồ chung tất yếu về tự nhiên,
nhưng các chi tiết của sự hiện thực hóa nó là bất tất. Nhưng ông không đưa
ra mô tả rõ ràng về việc phải vạch đường ranh giữa khung khái niệm và các
chi tiết thường nghiệm ấy ở đâu (và tại sao).
3. Như đã đề cập ở trên, triết học tự nhiên là bộ phận của một tiến
trình tổng thể của việc vượt bỏ hay vượt qua tự nhiên. Hegel ít quan tâm
đến tự nhiên hơn Schelling, và có khuynh hướng xem tinh thần là xung đột
với tự nhiên, hơn là một sự phát triển nhẹ nhàng từ tinh thần: ông đồng ý
với Hobbes, chống lại Rousseau, rằng trạng thái tự nhiên là một “cuộc
chiến của tất cả chống lại tất cả”, mà nền văn minh cần phải vượt qua, và
ông xem tiến trình này được phản ánh trong các thần thoại Hy Lạp, chẳng
hạn như cuộc chiến của các thần chống lại các Titan. Nhưng việc chiến
thắng tự nhiên ấy chứa đựng một số hướng đi khác biệt mà ông không dị
biệt hóa hay nối kết một cách rõ ràng: (a) Có một nghĩa trong đó tự nhiên
tự vượt qua chính mình, ít nhất là trong chừng mực không có sự trợ giúp
của chúng ta, nó vẫn đi từ cấp độ không gian đơn thuần đến cấp độ sống và
CHẾT của động vật, tức là bản thân viên gạch nền của tinh thần. (b) Khoa
học và triết học tự nhiên khám phá ra rằng, ngay từ đầu, tự nhiên đã ít xa lạ
hơn chúng ta tưởng, khi họ thấy rằng nó chứa các hiện tượng giống-tinh
thần chẳng hạn như ánh sáng, cũng như các nguyên tử và động đất. (c)
Theo quan niệm của Hegel, TƯ DUY về điều gì đó ipso facto (tự bản thân
sự việc) là đã biến đổi nó rồi: vậy nên các khám phá của chúng ta về tự
nhiên và việc khái niệm hóa về tự nhiên không những cho thấy rằng tự
nhiên không hoàn toàn xa lạ, mà còn làm cho nó trở nên ít xa lạ hơn. (Khoa
học và triết học khai mở CHÂN LÝ của tự nhiên theo nghĩa của Hegel,
cũng như theo nghĩa thông thường). (d) Các hoạt động thực hành khiến tự
nhiên trở nên ít xa lạ hơn bằng cách, chẳng hạn, biến nó thành các công
viên, và bằng cách sản xuất ra các đồ tạo tác và các nhóm xã hội bảo vệ ta
trước sự khắc nghiệt của tự nhiên hoang dã.