“bản thể”, tức những khái niệm được ta áp dụng vào cho thế giới hiện
tượng, tức (2), và vào cho bản thân ta, tức (3), và đó chính là những khái
niệm cấu tạo nên BẢN CHẤT của những lĩnh vực này, bởi cả ta lẫn thế
giới hiện tượng đều không thể hiện hữu, trừ khi những khái niệm như thế
được áp dụng vào cho chúng. Hegel kết luận rằng: cái tuyệt đối không phải
là cái gì nằm bên dưới thế giới hiện tượng, trái lại, chính là hệ thống khái
niệm được khắc ghi vào trong nó. Vì lẽ hệ thống khái niệm này không phải
là tĩnh tại, mà phát triển và tự biểu hiện vừa ở những cấp độ ngày càng cao
hơn của tự nhiên, vừa ở trong sự tiến lên của tri thức con người thông qua
quá trình lịch sử, nên cái tuyệt đối là không tĩnh tại, mà luôn phát triển, và
đạt được cấp độ tối hậu trong triết học của chính Hegel.
6. Cái tuyệt đối không đơn thuần là trực tiếp hay vô điều kiện, trái lại,
có những điều kiện và những sự trung giới, nhưng đã được cái tuyệt đối
vượt bỏ và chuyển thành tính trực tiếp. Chẳng hạn, triết học, giai đoạn cao
nhất của cái tuyệt đối, và bản thân là “tri thức tuyệt đối”, lại phụ thuộc vào
một môi trường tự nhiên và văn hóa nhất định, nhưng nó giải phóng mình
khỏi môi trường này bằng cách, chẳng hạn, nghi ngờ sự hiện hữu của môi
trường này, và tập trung vào những khái niệm thuần túy, không-thường-
nghiệm, hay bằng cách khái niệm hóa môi trường ấy. Tương tự như thế,
con người nói chung vượt bỏ môi trường tự nhiên mà mình bị lệ thuộc bằng
những hoạt động nhận thức và thực hành (“TINH THẦN”). Vừa vì lý do
đó, vừa vì lẽ hệ thống khái niệm - là cái mang lại cấu trúc cho tự nhiên và
lịch sử - tạo nên cái cốt lõi của TINH THẦN con người, do đó cái tuyệt đối
là tinh thần.
Hegel cũng dùng từ “tuyệt đối” như là một tính từ. Đỉnh cao của
HTHTT là “TRI THỨC tuyệt đối” - tương phản với sự sống và ý niệm về
nhận thức; và cao điểm của toàn bộ HỆ THỐNG, trong BKT III, là “Tinh
thần tuyệt đối” - tương phản với tinh thần chủ quan và tinh thần khách
quan. KHLG cũng bàn về “sự DỊ BIỆT tuyệt đối” - tương phản với sự khác
nhau và sự ĐỐI LẬP; bàn về “CƠ SỞ tuyệt đối” - tương phản với cơ sở