V
Văn hóa (sự Đào luyện) và Giáo dục [Đức: Bildung und
Erziehung; Anh: culture and education]
Tiếng Đức có hai động từ và hai danh từ thường dùng cho “giáo dục”
và “sự giáo dục”: Bilden và erziehen; Bildung và Erziehung. Bilden [đào
luyện] còn mang nghĩa là “tạo dáng, tạo hình, tạo hình thể, vun trồng”, và
trước đó, Bildung [sự đào luyện] chỉ có nghĩa sự tạo hình về mặt vật chất
của một thực thể; vào thế kỷ XVIII, J. Moser mang lại cho nó nghĩa “sự
giáo dục, sự trau dồi, sự đào luyện”, vừa là tiến trình vừa là kết quả. Nhưng
bilden và Bildung nhấn mạnh đến kết quả của sự giáo dục, còn erziehen và
Erziehung nhấn mạnh vào tiến trình giáo dục. Do đó Erziehung, không
giống Bildung, không có nghĩa là “culture” [trong tiếng Anh].
Sự quan tâm của Hegel đến văn hóa và giáo dục có một số nguồn gốc:
1. Tác phẩm Émile hay là về giáo dục (1762) của Rousseau, xem giáo
dục đích thực là sự rút bỏ những trở lực cho sự phát triển tự nhiên của các
năng lực của đứa trẻ, đặc biệt là bằng cách cách ly cậu bé ra khỏi đời sống
thường nhật đã được văn minh hóa, có một tác động to lớn lên tư tưởng
Đức. Chống lại Rousseau, Hegel cho rằng giáo dục đòi hỏi khắc phục tự
nhiên và biến “cái ĐẠO ĐỨC [das Sittliche] thành giới tự nhiên/bản tính
thứ hai của cá nhân”. Hegel tán thành một lời khuyên của một hiền triết
theo phái Pythagoras về sự giáo dục: “Hãy làm cho trẻ em trở thành công
dân của một Nhà nước có pháp luật tốt đẹp” (THPQ, §153).
2. Sự thua trận của nước Phổ trước nước Pháp vào năm 1806-7 đã dẫn
tới một phong trào nhằm cải cách giáo dục. Trong tác phẩm DVCDTĐ
[Những diễn văn dành cho dân tộc Đức - Reden an die deutsche Nation],
Fichte đã đề nghị một kế hoạch quy mô cho sự cải cách giáo dục như một
phương thuốc cứu chữa cho sự nhục nhã và chia rẽ của dân tộc. Fichte rút