Do đó trong bài diễn văn khai giảng tại Nuremberg vào ngày 29 tháng
9 năm 1809, Hegel cho rằng giáo dục bao hàm sự trở thành xa lạ của tinh
thần đối với “bản tính tự nhiên và trạng thái tự nhiên của nó”, và điều này
đạt được một cách tốt nhất bằng sự nghiên cứu thế giới cổ đại và các ngôn
ngữ của nó. Thế giới ấy đủ xa lạ để “tách” ta khỏi trạng thái tự nhiên của ta,
nhưng cũng đủ gần gũi với ngôn ngữ và thế giới của riêng ta [người Âu
châu] để ta “tìm thấy lại chính mình” (wiederfinde) trong chúng, không còn
là chính mình trong tình trạng tự nhiên của ta nữa, mà “trong sự phù hợp
với bản tính đích thực, phổ biến của tinh thần”. Ta cũng trở nên được hòa
giải với ngôn ngữ và thế giới của ta, nhưng bây giờ với một sự nhận thức
sâu sắc hơn về cấu trúc và ý nghĩa của nó. (Hegel cũng nhấn mạnh rằng nhà
nước nào “xao lãng thành trì bên trong tâm hồn của công dân họ” và chỉ
tìm kiếm lợi nhuận và lợi ích là có khả năng bị suy tàn và phá hủy). Mô
hình này về sự tha hóa khỏi sự thống nhất tự nhiên, và sau đó tái hợp nhất
với nó, xảy ra ở mọi giai đoạn của giáo dục: sự tự đắm chìm của trẻ em
được cắt đứt bởi ý thức về một thế giới bên ngoài, tuy lúc đầu còn xa lạ và
khác thường, nhưng sẽ ngày càng trở nên quen thuộc với sự khám phá
nhiều hơn. Các xu hướng tự nhiên của trẻ em ngày càng phục tùng các quy
chuẩn đạo đức và xã hội, vốn lúc đầu là xa lạ và áp chế, cuối cùng đã trở
thành một bản tính thứ hai. Nghiên cứu về Lô-gíc học làm cho ta trở nên xa
lạ với các hình thức quen thuộc (bekannte) của ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng ta
sẽ quay trở lại chúng với một sự hiểu biết đã được làm phong phú lên. Tuổi
trẻ mất đi trạng thái mãn nguyện ngây thơ với môi trường xã hội và chống
đối lại nó; cuối cùng lại được hòa giải với nó trong một trạng thái mãn
nguyện ở cấp độ phản tư cao hơn. Sự đổ vỡ của sự thống nhất sơ khai
thường là khắc nghiệt và khó khăn, và đòi hỏi nỗ lực và kỷ luật (Zucht).
Nhưng thành phẩm sau cùng, tức con người được trau dồi văn hóa, dù đã
hoàn toàn hấp thu nền văn hóa của xã hội, nhưng lại có nhiều sự độc lập về
tư tưởng và hành động hơn đứa trẻ hay tuổi trẻ nhờ được trang bị bằng “các
quan niệm phổ biến”.