“bất định” và “vô hạn”, và nghĩa này cũng bền bỉ trong đối thoại Philebus
của Plato, trong đó ranh giới (peras) và cái vô-giới-hạn được xem là hai
nguyên tắc của tồn tại, được chi phối bởi lý tính vũ trụ vốn hòa trộn chúng
lại với nhau trong vạn vật. Aristoteles, nhờ ông mà chữ apeiron dứt khoát
có nghĩa là “vô hạn”, đã thử nhìn vũ trụ như hữu tận cả về thời gian lẫn
không gian. Khi dường như không thể tránh được tính vô tận, ông cho rằng
nó chỉ là tính vô tận tiềm năng đơn thuần chứ không phải tính vô tận HIỆN
THỰC: chẳng hạn, một đường thẳng có thể được phân chia vô hạn, nhưng
nó không chứa đựng, và không thể được phân chia thành một tính vô hạn
hiện thực của các điểm được. Một vũ trụ có trật tự được cảm nhận là loại
trừ tính vô hạn tồi.
Các vị thần Hy Lạp cổ đại, do đó, không phải là vô hạn. Tuy nhiên,
Philo xứ Alexandria (người đã kết hợp thuyết Plato với Do Thái giáo) xem
Thượng Đế là vô hạn, không theo nghĩa là mở rộng vô tận trong không gian
và thời gian, mà theo nghĩa là chứa đựng tất cả những gì có thể xuất hiện
trong không gian và thời gian trong một hình thức tập trung. Vì thế, cái vô
hạn không còn là khiếm khuyết nữa mà là hoàn bị và hoàn hảo. Các triết
gia Kitô giáo sơ kỳ và trung kỳ duy trì ý niệm Hy Lạp rằng thế giới là hữu
hạn nhưng đảo ngược sự đánh giá về nó: thế giới hữu hạn là một sản phẩm
bất toàn của một Thượng Đế vô hạn.
Quan niệm rằng thế giới chỉ là hữu hạn đã bị thách thức theo hai
hướng. Thứ nhất, các nhà huyền học như Eckhart cho rằng vì linh hồn con
người rút ra bản chất của mình từ Thượng Đế và tìm kiếm sự hợp nhất với
Ngài, nên nó không thể là cái hữu hạn tồi được. Thứ hai, Nicolas xứ Cusa
[Nicholas von Kües] (đáng ngạc nhiên là Hegel không bao giờ nhắc đến
ông này) cho rằng, vì thế giới mở rộng minh nhiên trong không gian và thời
gian những gì vốn mặc nhiên được tập trung trong Thượng Đế, nên nó cũng
phải là vô hạn trong không gian và thời gian. Học thuyết này đã được
Copernicus và Giordano Bruno phát triển. Kant cũng bị quyến rũ bởi ý