Ngược lại, sự giáo dục của một dân tộc hay của nhân loại xét như một
toàn bộ không có LÝ TƯỞNG nào được xác lập sẵn về văn hóa để ta đạt
tới và không có người thầy bên ngoài nào nâng họ hướng tới một lý tưởng
như vậy. Nó phụ thuộc vào những người thầy, như Luther, là những người
mà bản thân họ thuộc về nhân dân và nhân loại, và phụ thuộc vào phép
BIỆN CHỨNG nội tại của tư tưởng và sự TỰ-Ý-THỨC. Nhưng nó cũng đi
theo mô hình: thống nhất đơn giản - tha hóa - hòa giải. Theo quan điểm của
Hegel cũng như của Schiller, văn hóa Hy Lạp là tương đối có tính hòa giải
hòa hợp. Nhưng sự phát triển của văn hóa về sau sinh ra một sự đa dạng
của sự tha hóa và đối lập giữa cá nhân và xã hội, giữa giàu có và quyền lực,
giữa niềm tin và lý tính, và, v.v. KBFS [Sự dị biệt giữa hệ thống của Fichte
và của Schelling về triết học] và TVB [Tin và Biết] cho rằng những sự đối
lập ấy đòi hỏi một triết học giải quyết chúng, một triết học mà sau đó Hegel
đã nỗ lực mang lại.
Tôn Nữ Thùy Dương dịch
Vô hạn/Vô tận (sự, tính) [Đức: Unendlichkeit; Anh: infinity]
Trong tiếng Đức, Unendlichkeit (tính vô hạn/vô tận) và unendlich (vô
hạn/vô tận), có nghĩa là thiếu vắng một kết thúc (Ende) hay RANH GIỚI,
và tương phản với Endlichkeit (tính HỮU HẠN) và endlich (hữu hạn). Chữ
tương đương trong tiếng Hy Lạp, to apeiron, lần đầu tiên được
Anaximander sử dụng để biểu thị chất liệu cơ bản mà vạn vật đều có và có
nghĩa là “bất định, bất xác” hơn là “vô tận trong không gian hay thời gian”.
Các nhà nguyên tử luận, Leucippus và Democritus, xem các nguyên tử là
vô hạn về số lượng, và đặt chúng vào một không gian và thời gian vô tận.
Nhưng nói chung, apeiron được xem là không thể hiểu được về mặt trí tuệ
và có nghĩa xấu về mặt đánh giá: các nhà Pythagoras bắt đầu bảng các ĐỐI
LẬP của họ bằng cái có giới hạn và cái không-giới-hạn, tương ứng với cái
tốt và cái xấu. Ở đây, cái “không-giới-hạn” vẫn còn mang nghĩa “bất xác”,