tức một công dân của nước Pháp hay của nước Phổ, chứ không đơn giản
chỉ là một thương nhân làm ăn buôn bán với người Pháp lẫn với người Phổ.
Nghiên cứu của Hegel về xã hội dân sự chia làm ba phần:
1. HỆ THỐNG những nhu cầu (System der Bedürfnisse). Đây là nền
kinh tế đích thực, trong đó những cá nhân trao đổi hàng hóa và dịch vụ để
thỏa mãn nhu cầu của mình; những nhu cầu ngày càng nhân lên cùng với
sự phát triển của hệ thống. Những cá nhân quan hệ với nhau bằng lợi ích
riêng tư, chứ không bằng tình yêu thương hay tin cậy như trong gia đình,
tuy nhiên lợi ích của họ lại phụ thuộc vào nhau và làm nảy sinh một sự
phân công lao động. Do đó “các tầng lớp” hay giai cấp (Stände) ra đời: tầng
lớp nông nghiệp, tầng lớp thương mãi và tầng lớp “PHỔ BIẾN” của những
viên chức nhân sự. Những tầng lớp này mang lại cho thành viên của mình
một cương vị, quyền hạn được CÔNG NHẬN và một đạo đức nghề nghiệp.
2. Việc quản trị pháp luật (Rechtspflege). PHÁP QUYỀN TRỪU
TƯỢNG được điển chế hóa trong những LUẬT LỆ được xác định rõ, được
nêu rành mạch và được ai cũng biết, có nhiệm vụ bảo vệ những cá nhân
chống lại sự phi pháp. Hegel cho rằng trong lĩnh vực này, “một người được
tính là một người chỉ nhờ dựa vào tư cách làm người của mình, chứ không
phải vì người ấy là một người Do Thái, người Công giáo, Tin Lành, người
Đức hay người Ý, v.v.” (THPQ, §209).
3. “Cảnh sát” và hiệp hội. Polizei (từ chữ Hy Lạp politeia) có nghĩa
rộng hơn nhiều so với chữ “cảnh sát” của chúng ta ngày nay. Từ thế kỷ XV
đến thế kỷ XVIII nó được dùng để chỉ “chính quyền, nền hành chính công
cộng”. Hegel xem nó tương đương với öffentliche Macht (“QUYỀN LỰC
công cộng”). Vì thế nó không chỉ bao hàm việc thi thành pháp luật, mà cả
việc quy định giá cả cho các hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chất lượng hàng
hóa, các nhà tế bần, bệnh viện, chiếu sáng đường phố, v.v. Hegel không
chống lại hoạt động từ thiện riêng tư, nhưng cho rằng “tình trạng công cộng
sẽ tốt hơn nếu càng ít để cho cá nhân tự ý làm theo tư kiến riêng của họ, khi