Schiller sử dụng Wille và Willkür như nhau, nhưng có xu hướng nhấn
mạnh nhiều hơn đến Willkür mang nghĩa “tùy tiện”, “tùy ý”, “thích gì làm
nấy”. Giống như Kant, Schiller coi trọng “tự do luân lý”, tức năng lực vượt
lên trên các ham muốn và hoàn cảnh vật chất của bản thân và hành động
như một thực thể thuần lý. Nhưng so với Kant, Schiller băn khoăn nhiều
hơn trước sự rạn nứt sâu sắc giữa LÝ TÍNH và ham muốn, và hy vọng rằng
NGHỆ THUẬT và CÁI ĐẸP sẽ giúp kiến tạo nên một loại tự do hàm chứa
sự hợp tác hài hòa giữa bản chất lý tính và cảm tính của ta. Ngoại trừ vai
trò dành cho nghệ thuật thì quan điểm này của Schiller gần gũi với quan
điểm của Hegel về tự do.
Những nghiên cứu chủ yếu của Hegel về Wille và Willkür xuất hiện
trong BKT III §§473-82 và đặc biệt là trong THPQ §§4-28. Wille về bản
chất là tự do, nhưng nó có ba giai đoạn chính, mỗi giai đoạn thể hiện một
chặng khác nhau của tự do:
1. Wille PHỔ BIẾN là năng lực của ta tách khỏi mọi ham muốn, thôi
thúc... của bản thân, và không thỏa mãn bất cứ cái gì trong số đó. Loại tự
do này hoàn toàn mang tính tiêu cực và chỉ xuất hiện, trong hình thái thuần
túy, ở những hoạt động bất mãn như tự sát, chủ nghĩa thần bí phương Đông,
và tính phá hoại của làn sóng khủng bố trong Cách mạng Pháp. Nhưng
năng lực thoát ly khỏi các ham muốn của bản thân chính là một thành tố
bản chất của các dạng tự do cao hơn.
2. Wille ĐẶC THÙ phản tư về các ham muốn và thôi thúc của bản
thân để nhìn ra cái nào trong số đó sẽ được nó lựa chọn để quy định bản
thân đối với một phương hướng hành động đặc thù. Vì nó có thể tách khỏi
mọi ham muốn của bản thân, nó không bị ràng buộc như loài vật để phải
hành động theo bất kỳ ham muốn nào trong số đó, kể cả ham muốn mãnh
liệt nhất, và như thế nó tự do lựa chọn giữa chúng. Đó là tự do của Willkür,
tức là ý chí “TRỰC TIẾP” hay “tự nhiên”, và theo Hegel, nó chính là cái
mà ta vẫn thường hiểu là “tự do của ý chí”. Nhưng nó vẫn chưa đủ thỏa