hợp lý tính, tạo nên cốt lõi của cái Tôi. Các định chế của đời sống đạo đức
vượt qua sự rạn nứt giữa lý tính và ham muốn mà Kant nêu ra. Những ham
muốn thô sơ biến thành những QUYỀN và nghĩa vụ gắn với các vai trò xã
hội, và như thế thấm đẫm sự hợp lý tính. Các ham muốn tính dục được điều
tiết thành hôn nhân, cơn đói được thỏa mãn trong các bữa ăn có tổ chức và
đầy nghi thức, v.v. Chúng ta đạt tới sự giải phóng khỏi các ham muốn
không phải bằng cách phớt lờ chúng, mà bằng cách thỏa mãn chúng trong
hình thái được đào luyện về văn hóa (giáo dục) của chúng. Chúng ta giờ
đây không chỉ đơn giản thực hiện các ý thích hạn hẹp chợt nảy sinh, trái lại,
làm việc để gìn giữ cái toàn bộ rộng lớn hơn - đó là, NHÀ NƯỚC và các
định chế của nó. Mỗi người trong chúng ta không chơi âm điệu riêng của
mình, mà biểu diễn phần của mình trong dàn nhạc.
Như vậy, ý chí và tự do của nó tạo nên cây cầu nối giữa xã hội và cá
nhân. Ý chí là khái niệm của pháp quyền, và cùng với THỰC TẠI của pháp
quyền, tạo nên Ý NIỆM pháp quyền. Ba bộ phận chính của THPQ (pháp
quyền trừu tượng của SỞ HỮU và NHÂN THÂN, luân lý, và đời sống đạo
đức) tương ứng với ba giai đoạn của ý chí và là các giai đoạn trong sự
HIỆN THỰC HÓA ý chí tự do. Tự do của ý chí và tự do chính trị - xã hội,
như thế, gắn kết sâu sắc với nhau.
Đoàn Tiểu Long dịch
Ý niệm [Đức: Idee; Anh: idea]
Idee, từ chữ idea của tiếng Hy Lạp (“hình ảnh, hình thức, hình thái,
diện mạo hay vẻ bề ngoài (của một sự vật)”), là gần giống với “idea” trong
tiếng Anh: nó có thể tương đương với “(một) tư tưởng”, “khái niệm”,
“quan niệm”, “ý tưởng”, “hình tượng”, “đức tin”, “sức tưởng tượng”, hay
“kế hoạch” (theo những nghĩa thông thường của các từ này, chứ không theo
nghĩa của Hegel). Nhưng nó cũng có được một sự đa dạng những nghĩa
triết học qua lịch sử phức tạp của nó.