GIÁC TÍNH, nhưng có một sự sử dụng mang tính điều hành hay điều
hướng (regulative) cho giác tính lý thuyết của ta: ý niệm về Thượng Đế,
chẳng hạn, cho phép ta xem thế giới như một HỆ THỐNG có trật tự, và ý
niệm về MỤC ĐÍCH hướng dẫn sự hiểu biết của ta về các sinh vật sống.
Những người kế tục Kant chào đón sự phục sinh các ý niệm của Plato.
Schiller nói, chẳng hạn, về “ý niệm về tính nhân văn”, theo nghĩa của một
khái niệm của lý tính hãy còn phải được hiện thực hóa hoàn toàn; Schelling
xem chúng là “những lực lượng siêu nhiên” ngự trị lên tự nhiên và NGHỆ
THUẬT; và Schopenhauer xem chúng là các nguyên mẫu mà nghệ thuật
mô phỏng.
Sự sử dụng từ Idee của Hegel có vài đặc điểm riêng biệt:
(1) Ý niệm không phải là một thực thể chủ quan hay thuộc tâm trí con
người: vì thế nó phân biệt với biểu tượng, và không tương phản với
“THỰC TẠI” hay “HIỆN THỰC”, ngoại trừ trong chừng mực thực tại hay
hiện thực ấy là các phạm trù cấp thấp mà nó bao hàm hay VƯỢT BỎ. Một
ý niệm là một sự thực tại hóa hay hiện thực hóa trọn vẹn của một KHÁI
NIỆM (khái niệm, cũng, không phải là một thực thể tâm trí): bấy giờ ý
niệm là đúng thật hay là CHÂN LÝ.
(2) Một ý niệm không siêu việt hay tách khỏi những cái đặc thù: nó
được hiện thực hóa trọn vẹn trong các loại hình nhất định của cái đặc thù.
Mặc dù kính trọng Plato, Hegel bác bỏ bất kỳ quan niệm nào về hai thế giới
(xem HIỆN TƯỢNG) và thiên về quan niệm của Aristoteles rằng các ý
niệm tồn tại trong các sự vật.
(3) Một ý niệm không phải là một LÝ TƯỞNG mà ta PHẢI thực hiện:
nó là hiện thực ngay trong hiện tại. Cho nên các ý niệm không có tính thực
hành theo nghĩa của Kant.