định bởi khái niệm đã mã hóa trong nó; nó hấp thu các điều kiện bên ngoài
vào trong bản thân nó và tận dụng chúng phù hợp với khái niệm của nó.
Trong Lô-gíc học, quan niệm về ý niệm thì phát triển, còn ý niệm về
sự sống chỉ là giai đoạn đầu tiên của nó. Một sinh thể hữu cơ là ở trong sự
hài hòa trực tiếp với môi trường của nó, nhưng trong giai đoạn kế tiếp, tức
trong ý niệm về sự NHẬN THỨC, có một sự rạn nứt giữa khái niệm và thế
giới khách quan thoạt đầu còn xa lạ mà khái niệm này cố vượt qua. Ở đây
khái niệm không hẳn là một chương trình đã mã hóa trong một hạt mầm
hay một phôi thai, mà là cái Tôi với các nguồn lực có tính khái niệm của
nó. Ý niệm này chia nhỏ ra thành ý niệm về cái đúng thật, hay về sự NHẬN
THỨC đích thực, và ý niệm về cái tốt, hay LUÂN LÝ. Cái Tôi nỗ lực lĩnh
hội môi trường của mình một cách có hệ thống, và sau đó biến đổi nó phù
hợp với ý niệm của cái thiện. Trong trường hợp này, ý niệm này không phải
là sự phù hợp đã được hiện thực hóa đầy đủ giữa khái niệm và TÍNH
KHÁCH QUAN, mà là một ý niệm theo một trong những nghĩa của Kant:
một LÝ TƯỞNG về một sự phù hợp hoàn toàn giữa khái niệm và tính
khách quan cần phải nỗ lực vươn tới nhưng có thể chẳng bao giờ đạt được.
(MH du nhập ý niệm về cái đẹp, cũng là một ý niệm mà nghệ thuật, tức sự
mô tả cảm tính về ý niệm tuyệt đối, nỗ lực hiện thực hóa).
Những sự không tương thích của ý niệm theo nghĩa này dẫn đến ý
niệm TUYỆT ĐỐI, giai đoạn cuối cùng của Lô-gíc học. Trước hết, ý niệm
tuyệt đối chỉ đơn giản là chủ đề của Lô-gíc học, đó là ý niệm TỰ MÌNH
VÀ CHO MÌNH. Điều này bao hàm bên trong nó và do đó, vượt bỏ những
sự lưỡng phân bao phủ ý niệm về sự nhận thức, chẳng hạn, giữa tính CHỦ
QUAN và tính khách quan. Nó là một cái toàn bộ tự-quy-định và tự dị biệt
hóa: Lô-gíc học trừu tượng hóa hay thoát ly khỏi những điều kiện môi
trường và lịch sử của nó và rút ra các TƯ TƯỞNG từ các tư tưởng khác mà
không cần viện tới các hiện tượng thường nghiệm. Không có sự rạn nứt nào
giữa Lô-gíc học và chủ đề của nó: vì Lô-gíc học chỉ là tư duy về tư duy,