hay là tư tưởng về những tư tưởng, nên khái niệm hoàn toàn tương ứng với
đối tượng của nó, và chân lý đã đạt được.
Sau đó ý niệm tái xuất hiện trong lĩnh vực tự nhiên, với tư cách là ý
niệm trong cái tồn tại khác của nó, và trong lĩnh vực tinh thần, với tư cách
ý niệm quay trở lại với chính mình từ cái tồn tại khác. Nhưng nó cũng xuất
hiện trong những thực thể khác nhau đã được nâng cao tương đối bên trong
thế giới này, chẳng hạn, trong ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC của NHÀ NƯỚC.
Trong những trường hợp này, Hegel nghĩ đến nhiều điểm khác nhau: (1)
Nhà nước, nếu nó thực hiện trọn vẹn ý niệm của nó, giống như là nó phải
là: cá nhân là “ở trong nhà của mình” (“Beisichsein”) trong nhà nước và
không có sự không tương thích giữa các lý tưởng của ta với thế giới đạo
đức mà ta sống. (2) Nhà nước là một toàn bộ hữu cơ tự quy định và tự-dị-
biệt-hóa một cách tương đối. (3) Vì thế, nó nhào nặn và tạo nên các cá nhân
là những kẻ cấu tạo nên nó. Các cá nhân không độc lập với nó. Nếu họ trở
nên độc lập với nó, và đánh mất sự kính trọng đối với các định chế đạo đức
và chính trị, nhà nước sẽ chết, giống như một cơ thể mất đi linh hồn của nó.
(4) Nhà nước thể hiện và vượt qua vô số những sự lưỡng phân: chẳng hạn,
nó có tính PHỔ BIẾN, ĐẶC THÙ VÀ CÁ BIỆT.
Ở Hegel, Idee có rất nhiều những sự ứng dụng và ý nghĩa. Điều này
phản ánh sự phức tạp trong quan niệm của ông về khái niệm: Khái niệm là
một chương trình ban đầu (trong một hạt mầm), một lực lượng quy định nội
tại (giống linh hồn của một cơ thể, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa ẩn dụ), một
lý tưởng có tính quy phạm, một hệ thống mang tính khái niệm và là cái Tôi
đang nhận thức. Ý nghĩa của thuật ngữ tương phản với nó (“thực tại”, “tính
khách quan”, v.v.) và của “sự hiện thực hóa” của khái niệm, cũng biến đổi
tương ứng. Idee của Hegel (giống như ý niệm của Plato) là sản phẩm của
một nỗ lực hòa trộn bản thể học, nhận thức luận, sự đánh giá, v.v. thành
một tập hợp duy nhất của các khái niệm.
Hoàng Phú Phương dịch