(“lý tưởng”), và, trong những nghĩa thông thường của ideal, nó gần gũi
nhất với (b). Vì ideell đối lập, ít nhất là lúc đầu, với real hay reell (Hegel
không rút ra sự phân biệt tương ứng giữa hai từ này), nó không có nghĩa
đơn giản “là hay hiện thân một ý niệm hay ý niệm nói chung”. Vì ý niệm
không đối lập với cái thực tồn [hay thực tại], mà là sự thống nhất của cái ý
niệm và cái thực tồn (BKT I, §214). Cho nên trong Lô-gíc học, thoạt đầu
Hegel không giới thiệu ideell trong sự kết nối với ý niệm, mà kết nối với
tồn tại-CHO-MÌNH và với sự/tính VÔ HẠN. Quan hệ của ideell với Idee là
thế này: ý niệm (Idee) là sự thống nhất của KHÁI NIỆM và thực tại của nó.
Khái niệm (chẳng hạn hạt mầm, LINH HỒN) là sự thống nhất nội tại,
nhưng vẫn có tính CỤ THỂ, bao hàm các phương diện hay các MÔ-MEN
khác nhau vẫn chưa được thiết định trong sự phân biệt đầy đủ của chúng.
Thực tại (chẳng hạn cái cây, cơ thể) là một nhất thể nhờ vào năng lực nhất
thể hóa của khái niệm, nhưng bấy giờ những phương diện khác nhau của nó
đã được dị biệt hóa một cách minh nhiên. Tất cả những nhân tố này là
ideell theo những cách khác nhau, nhưng có liên quan với nhau:
(a) Khái niệm xét như một cái toàn bộ, về mặt nội tại, là có tính ideell,
tương phản với thực tại của nó. Nó không trở nên ideell bởi bất cứ thứ gì
khác, mà là ideell bởi vì nó chỉ phụ thuộc vào chính nó. Cái Tôi, chẳng hạn,
là có tính ideell, vì nó hiện hữu chỉ bởi sự ý thức của nó về chính mình.
(b) Một phương diện của khái niệm là ideell, vừa bởi vì nó chỉ là một
phương diện, chứ không phải là toàn bộ khái niệm, vừa bởi vì nó vẫn chưa
được hiện thực hóa: chẳng hạn, trong tinh dịch, thì máu chỉ là ideell.
(c) Thực tại là có tính ideell bởi sự phụ thuộc của nó vào khái niệm
hay được khái niệm làm cho mang tính ideell. Qua đó, nó không ngừng là
thực tồn: thực tại của nó được VƯỢT BỎ trong tính ý thể (Idealität) của
nó.
(d) Một phương diện của thực tại là có tính ideell vừa bởi sự phụ
thuộc của nó vào khái niệm, vừa bởi sự phụ thuộc của nó vào cái TOÀN