TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC HEGEL - Trang 600

có ý thức về chính mình. Khái niệm này lần đầu tiên xuất hiện minh nhiên
trong cụm synaisthesis hautou (tự-tri-giác) của Plotinus. Theo nghĩa chuẩn
của Tâm lý học và Triết học thế kỷ XVIII, Selbstbewusstsein là sự nhận
thức về bản thân những trạng thái có ý thức đang thay đổi của ta và về
những tiến trình xuất hiện nơi bản thân ta, đi cùng với một ý thức rằng bản
thân cái Tôi hay Tự ngã của ta là cái chuyên chở những trạng thái và tiến
trình ấy; rằng con người có/là duy nhất một cái Tôi; rằng cái Tôi này duy trì
bền bỉ xuyên suốt và độc lập với chuỗi biến đổi liên tục của kinh nghiệm;
và rằng cái Tôi của ta tương phản với thế giới các đối tượng bên ngoài, từ
đó nó tự phân biệt như một chủ thể duy trì bền bỉ một cách đồng nhất
xuyên suốt những thay đổi trong những đối tượng mà nó ý thức. Tuy nhiên,
Kant đã lập luận rằng TỰ-Ý-THỨC theo nghĩa này thì không hoàn toàn
độc lập với tính cách của kinh nghiệm của tôi và của những đối tượng mà
tôi có ý thức, như định nghĩa trên đã ngụ ý. Trực quan của tôi, nếu chúng
phải là những kinh nghiệm của tôi và những kinh nghiệm về các đối tượng
tách biệt với bản thân tôi, thì chúng phải “được tổng hợp” dựa theo một số
phạm trù nhất định, chẳng hạn tính nhân quả (xem PPLTTT 107, B144).
Theo quan niệm của Kant, sự tổng hợp này là do chính cái Tôi thực hiện.

Học thuyết này - cùng với học thuyết của những nhà Plato-mới và của

Böhme vốn cho rằng tự ngã và thế giới là có quan hệ hỗ tương, và nhận
thức về cái này tạo điều kiện cho nhận thức về cái kia - đã dẫn các nhà duy
tâm Đức đến chỗ quan niệm Tự ngã không tách biệt hẳn với những đối
tượng khác, mà lan tỏa xuyên suốt và bao quát chúng. Tương ứng, hoàn
toàn có TỰ-Ý-THỨC không đơn giản là có ý thức về chính mình trong sự
tương phản với các đối tượng, mà còn xem thế giới bên ngoài như sản
phẩm, sự chiếm hữu, hay hình ảnh-phản chiếu của bản thân tự ngã của
mình. Việc Hegel sử dụng selbstbewusstSelbstbewusstsein là phụ thuộc
vào những suy xét này, nhưng cũng phụ thuộc vào nghĩa thông thường của
những từ này (“tự tin”, “tự xác tín”, v.v.), khác với nghĩa “bối rối”, “mất tự
tin”, v.v. (như trong tiếng Anh: “self-confident”, “self-assured” tương phản
với “embarrassed”, v.v.).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.