trong cái cảm tính và đi từ thi ca của BIỂU TƯỢNG sang văn xuôi của TƯ
TƯỞNG”.
Nguyễn Văn Sướng dịch
Bài Giảng về Lịch sử Triết học (Các) [Đức: Vorlesungen über die
Geschichte der Philosophie; Anh: Lectures on the History of
Philosophy] (LSTH)
Hegel giảng về lịch sử Triết học ở Jena (mùa đông 1805-6),
Heidelberg (mùa đông 1816-17 và 1817-18) và Berlin (mùa hè 1819, mùa
đông 1820-1, 1823-4, 1825-6, 1827-8, 1829-30), K. L. Michelet biên tập
các bài giảng này cho ấn bản các tác phẩm xuất bản sau khi mất của Hegel,
và được xuất bản thành ba tập năm 1833-6. Michelet kết hợp tài liệu từ các
năm khác nhau, sử dụng các bản thảo của Hegel và các bản chép tay của
các sinh viên của ông. Một số trong những tài liệu này hiện nay đã mất,
nhưng nhiều bản ghi chép, và các phiên bản của Hegel về phần Dẫn nhập
cho các bài giảng năm 1816 và 1820 thì vẫn còn.
Các triết gia cổ đại chỉ quan tâm đến lịch sử Triết học một cách ngẫu
nhiên, trong chừng mực nó có quan hệ với việc họ phản bác các học thuyết
đối lập và trình bày học thuyết của riêng mình. Aristoteles (giống như
Hegel) cho rằng cái nhìn đúng thì phải giải thích và thể hiện những gì đúng
trong mọi cái nhìn, vậy nên Aristoteles (nhất là trong cuốn Siêu hình học
A) thường bắt đầu nêu quan niệm của chính mình bằng một nghiên cứu về
quan niệm của các bậc tiền bối. Trong thời cổ đại hậu kỳ, xuất hiện một vài
tác phẩm ghi lại những học thuyết chính của các triết gia và các trường phái
Triết học. Nổi tiếng nhất trong số đó là tác phẩm của Diogenes Laertius. Đa
phần những tác phẩm ấy không cho thấy nhiều thức nhận lịch sử hay Triết
học, nhưng chúng thường trích dẫn rất dài những tài liệu gốc và cung cấp
thông tin hữu ích về các triết gia mà các tác phẩm của họ còn lưu lại không
nhiều.