một người theo phái Kant, cởi mở hơn Tiedemann, và Hegel thích ông hơn,
nhưng nhận thấy ông nói quá vắn tắt về Triết học cổ đại.
Cuốn Geschichte der Philosophie [Lịch sử Triết học] (1798-1819) của
W. G. Tennemann. Tennemann là môn đồ của Reinhold và xem xét các
Triết học quá khứ theo kiểu Kant-Reinhold. Hegel thích ông này hơn
Brucker, Tiedemann và Buhle, nhưng xem công cụ Triết học của ông là
không thích hợp để tìm hiểu Triết học cổ đại: ta sẽ hiểu Aristoteles hơn nếu
ta tin ngược lại những gì Tennemann nói.
F. Ast, học trò của Schleiermacher và theo phái Schelling, đã viết cuốn
Grundriss einer Geschichte der Philosophie [Đại cương về một Lịch sử
Triết học] (1807), được Hegel cho là “một trong những bản toát yếu tốt
hơn. Nó được viết ra trong một tinh thần lành mạnh”. Giống như Hegel,
Ast xem sự thống nhất của Triết học, và lịch sử văn hóa nói chung, là một
sản phẩm của TINH THẦN: “tất cả các hệ thống, ý niệm và tư kiến đều là
những mặc khải của một tinh thần, và được tinh thần này nối kết lại với
nhau ở bên trong. Vì thế sự thống nhất của chúng không phải được áp đặt
lên chúng từ bên ngoài và bởi khái niệm nào đó, nhưng có tính bên trong
trực tiếp đối với chúng”. Ast ví sự thống nhất và phát triển này của tinh
thần với sự thống nhất và phát triển của một SINH THỂ HỮU CƠ.
Hegel xem lịch sử Triết học không những là một Dẫn nhập tốt vào
Triết học, mà còn là đỉnh cao của bản thân Triết học, vì nó phác họa sự hiện
thực hóa giai đoạn cao nhất của tinh thần TUYỆT ĐỐI trong lịch sử. Khác
với Kant hay Fichte, ông ý thức sâu sắc về các nguồn gốc lịch sử của các ý
niệm của riêng ông và xem lịch sử Triết học là một diễn trình HỒI TƯỞNG
(Erinnerung), một giai đoạn bản chất của việc ta tự-nhận-thức chính mình.
Triết học của Hegel được trang bị để đánh giá đúng sự thống nhất, sự
đa dạng và sự phát triển của lịch sử Triết học. Giống như Ast, ông xem lịch
sử này là sự phát triển của một tinh thần duy nhất. Lịch sử này tiến lên theo
vòng tròn hướng đến TỰ-Ý-THỨC trọn vẹn bằng cách phản tư liên tiếp về