Marheineke thêm vào cho THTG phần Vorlesungen über die Beweise
vom Dasein Gottes/Các bài giảng về các luận cứ chứng minh sự hiện hữu
của Thượng Đế (TTTĐ) mà Hegel viết năm 1829 như một phụ lục cho các
bài giảng của mình về Lô-gíc học và đã lên kế hoạch để chuẩn bị cho xuất
bản vào mùa đông 1831-2. Bản thảo (bây giờ đã mất) đã thực sự hoàn tất.
Các bài giảng ấy gần với Lô-gíc học hơn triết học về tôn giáo: chúng nỗ lực
bảo vệ cho những luận cứ CHỨNG MINH chống lại công kích của Kant
bằng cách tái lý giải chúng dựa vào Lô-gíc học của Hegel.
Nguyễn Văn Sướng dịch
Bản chất/Yếu tính [Đức: Wesen; Anh: essence]
Động từ tiếng Đức thời Trung đại hậu kỳ wesen (là, tồn tại) đến thời
Hegel đã lỗi thời, dù vậy nó vẫn được dùng làm thì quá khứ cho động từ
sein (tồn tại), nhất là quá khứ phân từ gewesen và được dùng như danh từ
das Wesen. Những nghĩa quan trọng nhất của Wesen là: 1) tồn tại, tạo vật
hay thực thể, đặc biệt là một sinh thể (chẳng hạn “Thượng Đế là một Wesen
(hữu thể) tối cao”, “Con người là một Wesen (tồn tại) hữu hạn”; 2) Bản
chất, bản tính hay tính chất của một thực thể cá biệt, tức việc nó tồn tại thế
này hay thế kia (Sosein) tương phản với sự HIỆN HỮU của nó (Dasein); 3)
Bản tính thường hằng, nổi trội của một sự vật, nằm bên dưới những trạng
thái bên ngoài hay HIỆN TƯỢNG (Erscheinung) của nó; 4) Bản tính hiện
thực hay bản tính bản chất của một sự vật, tương phản với việc nó có vẻ
như thế nào hay với Vẻ ngoài (Schein) của nó; 5) Những đặc tính bản chất
hay PHỔ BIẾN của một nhóm các thực thể, tương phản với những biến thể
cá biệt của chúng; 6) nằm trong những từ ghép [chỉ một hệ thống hay một
phức hợp] như Postwesen (“ngành bưu điện” hay “hệ thống bưu điện”).
(Hegel cho rằng nghĩa này của chữ Wesen là gần với nghĩa ông dùng, bởi
nó hàm ý rằng sự vật phải được xem như một phức hợp và nằm trong
“những quan hệ đa dạng [và công khai] của chúng”, BKT I, §112A).