giải thích bằng bản chất của thực thể ấy. 3) Bản thân chủ thể phải là cái gì
nhiều hơn tổng số các đặc tính khả biến ấy, nếu nó muốn có ý thức về
chúng hoặc về chính mình: nó phải là một thực thể bền vững nằm bên dưới
những trạng thái biến đổi của nó. (Một lý do khiến Hegel lược bỏ những
lập luận như trên là việc ông tin rằng lượng, chất và hạn độ vượt bỏ chính
chúng để thành bản chất, và bản chất không phải được du nhập một cách
đơn giản bằng “sự phản tư bên ngoài” của ta để giải quyết những vấn đề mà
chúng gợi ra).
Bản chất (Wesen) của một vật, xét như cái có tính bản chất, thoạt đầu
tương phản với cái không-bản-chất, tức những đặc tính bề mặt trực tiếp,
nghĩa là với cái trước đó là Sein (tồn tại). Nhưng cặp đôi thuật ngữ này là
không thích đáng, vì cái bản chất phụ thuộc vào cái tương phản với nó là
cái không-bản-chất không khác gì cái không-bản-chất phụ thuộc vào cái
bản chất, và cũng vì, như hệ luận của điều này, để đặc trưng hóa cho một
trong hai thuật ngữ này, chứ không phải thuật ngữ khác, xét như cái có bản
chất, đòi hỏi phải có một người quan sát bên ngoài. (Những lập luận của
Hegel ở đây, và trong Học thuyết về Bản chất nói chung, là tương tự với
những lập luận của ông về cái Tuyệt đối).
Kế đến, bản chất (Wesen) được đặt tương phản với vẻ ngoài (Schein).
Cái vốn trước đó là tồn tại (Sein) đã trở thành một bản chất (Wesen) đơn
giản, vô-quy-định: Tồn tại HỒI TƯỞNG hay nội tâm hóa chính mình thành
bản chất. (Ở đây Hegel nhấn mạnh mối liên hệ của Wesen với quá khứ:
“Bản chất là tồn tại đã qua (vergangene), nhưng là đã qua một cách phi thời
gian”). Nhưng, cái trước đây là tồn tại (Sein), tức những đặc tính bề mặt
trực tiếp, vẫn duy trì bền bỉ như là vẻ ngoài (Schein), tức những đặc tính bề
ngoài được TRUNG GIỚI bởi hoạt động của bản chất. Bản chất (Wesen) và
vẻ ngoài (Schein) lúc này có một mối quan hệ khác với mối quan hệ của sự
tương phản đơn thuần hay với “cái khác”. Vẻ ngoài (Schein) được phát sinh
bởi sự xuất hiện ra (scheinen) của bản chất. Nhưng Schein và Scheinen,