giống như khái niệm về sự PHẢN TƯ được du nhập muộn hơn trong phần
này, là hàm hồ nước đôi.
1. Chúng liên hệ với vẻ ngoài, bề ngoài và ảo tượng, với những gì xuất
hiện ra hay tỏ vẻ ra cho người quan sát. Nhưng, người quan sát không chỉ ý
thức về vẻ ngoài (Schein) mà còn ý thức về bản chất (Wesen): tư tưởng của
người ấy phản chiếu ngược từ vẻ ngoài vào (hay tới) bản chất ngay tại
nguồn cội của nó. Vì thế, bản chất đi từ sự thống trị của vẻ ngoài đến chỗ
cân bằng với nó: nó đạt được tính quy định mặc nhiên, ngược lại với tính
đơn giản khi nó mới bắt đầu, và, trong chừng mực đó, là sản phẩm của tinh
thần con người như là Schein (vẻ ngoài) (theo một số nhà DUY TÂM).
2. Chúng lại liên hệ với sự chiếu sáng của ánh sáng. Ý niệm về một
nguồn ánh sáng đơn giản, bền bỉ mở rộng thành vô số tia sáng rất vừa vặn
với ý niệm về một bản chất đơn giản nhưng tạo ra vô số những đặc tính bề
mặt. Ánh tượng (Schein), theo mô hình này, là sản phẩm của chính bản
chất, chứ không đơn giản là sản phẩm của người quan sát bên ngoài: bản
chất ánh hiện (scheinen/Anh: schines) [thành vẻ ngoài] ở trong chính mình.
Nhưng, nó cũng ánh hiện [vào trong] chính mình. Vì, ánh sáng, khi nó
chạm vào một bề mặt, được phản chiếu ngược trở lại nguồn sáng. Vì thế,
Wesen và Schein đi đến chỗ có quan hệ hỗ tương bằng sự phản chiếu/ánh
hiện, cái này ánh hiện thành/vào trong cái kia. Cũng theo cách này, Wesen
trở nên được quy định như Schein mà nó tạo ra, chứa đựng TRONG
CHÍNH MÌNH mọi sự đa dạng mà nó cần giải thích.
Những quy định phản tư khác là những sự phát triển của khái niệm
“bản chất”. Chẳng hạn, sự ĐỒNG NHẤT rút ra từ sự tự-ĐỒNG-NHẤT của
bản chất, và sự KHÁC BIỆT là từ sự tự-dị-biệt-hóa thành Schein. Những sự
quy định này, không giống những sự quy định của Tồn tại, tạo nên những
cặp đôi (chẳng hạn đồng nhất và khác biệt), những hạn từ của chúng liên hệ
với nhau bởi sự ánh hiện (scheinen) vào trong nhau. Hegel đặt tương phản
việc “ánh hiện” như thế với việc “chuyển sang nhau” hay “quá độ” vốn là