của bản thể.
4. Một lý do tại sao các thể cách không phải là những chủ thể độc lập,
đó là, trong khuôn khổ của Spinoza, điều này ắt hẳn không tương thích với
việc chúng đều thuộc về một bản thể duy nhất, vì Spinoza không cung cấp
cơ chế thỏa đáng nào cho sự quy hồi các thực thể độc lập vào trong bản thể:
thực vậy, ông chỉ đơn giản yêu sách rằng mọi thứ (kể cả ông) đều là một
trong cái tuyệt đối.
Ngược lại, theo quan điểm của Hegel, Thượng Đế (ở cấp độ TÔN
GIÁO) là một ngôi vị, và (ở cấp độ triết học) thì Thượng Đế là một KHÁI
NIỆM. Điều này giải thích sự xuất hiện của các chủ thể độc lập. Các hoạt
động nhận thức, thực tiễn và tôn giáo của các chủ thể này (đồng nghĩa với
TỰ-Ý-THỨC của Thượng Đế) đưa chúng và các thực thể khác, trở lại với
sự thống nhất. (Một cách có cơ sở, Spinoza đã tiên đoán được về điều này
nhiều hơn là Hegel thừa nhận, chẳng hạn, như trong học thuyết của Spinoza
rằng “tình yêu trí tuệ của tinh thần [con người] dành cho Thượng Đế là một
bộ phận của tình yêu vô hạn mà Thượng Đế yêu chính bản thân Ngài.
Hegel cũng thảo luận điều này trong các văn cảnh khác, ví dụ như ở BKT I,
§158A., nhưng không phải trong văn cảnh về bản thể).
Khái niệm Substanz ở Hegel giữ một vai trò quan trọng trong nghiên
cứu của ông về PHÁP QUYỀN và ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC. Một cộng đồng
xã hội hay chính trị không thể chỉ gồm những chủ thể, những cá nhân luôn
biết phản tư trong tư tưởng và hành vi của mình, như các nhà lý thuyết phái
khế ước [xã hội] đã ngụ ý. Nó tiền giả định một bối cảnh của các mối quan
hệ và các hành động thiếu tính phản tư, ở đó người ta không nổi bật lên như
là các chủ thể cá nhân. (Tương tự vậy, diễn ngôn triết học hay văn học có
tính phản tư tiền giả định một bối cảnh của diễn ngôn đời thường thiếu tính
phản tư). Bối cảnh này chính là “bản thể đạo đức” làm cơ sở cho cộng
đồng. Các thành quốc Hy Lạp cổ đại chủ yếu là “có tính bản thể”, với các
chủ thể chỉ xuất hiện mờ nhạt. Nhưng nhà nước hiện đại thì có ba yếu tố: