1. Các tính từ innerlich (bên trong) và äusserlich (bên ngoài) thường
được dùng để phân biệt những gì nằm trên bề mặt với những gì nằm bên
dưới nó, trong những từ như “một vết thương (“äusserlich”) tức một vết
thương ngoài da”, “sự điềm tĩnh bề ngoài tương phản với sự bối rối bên
trong”, v.v. Danh từ Innerlichkeit (tính bên trong, Anh: “inwardness”) do
các nhà huyền học Đức đặt ra và có hai nghĩa chính: a) BẢN CHẤT của
một sự vật; b) sự điềm tĩnh, sự tự lực, sự tự rút lui vào chính mình của con
người. Äusserlichkeit (tính bên ngoài, Anh: “outwardness, externality”)
được hình thành vào thế kỷ XVIII để biểu thị những gì không-bản-chất đối
với một người hay vật nào đó.
Hegel sử dụng cả danh từ và tính từ này trong nhiều ngữ cảnh khác
nhau, và không phải lúc nào cũng đặt chúng tương phản với nhau: Tính bên
ngoài của một LỰC (tức “sự biểu hiện ra bên ngoài” của nó) là đồng nhất
với tính bên trong của nó. Nếu hai vật là bên ngoài nhau, thì chúng dửng
dưng với nhau, và thực chất là không quan hệ với nhau và khả biến độc lập
với nhau, chẳng hạn như hình dáng của một vật và màu sắc của nó. TỰ
NHIÊN là CÁI KHÁC và bên ngoài đối với TINH THẦN, vì thế là khác và
bên ngoài đối với chính mình, tức được trải rộng trong không gian và thời
gian. Do đó, những cách dùng chính của chữ Innerlichkeit là có quan hệ
đến lĩnh vực của tinh thần. Innerlichkeit (đời sống bên trong) của tinh thần
là tương phản với TỒN TẠI NHẤT ĐỊNH/tồn tại hiện có (Dasein) của nó,
nghĩa là với cái bên ngoài vật chất của nó (HTHTT VII. A). Nhưng
Innerlichkeit của tinh thần cũng tương phản với Äusserlichkeit của thế giới
bên ngoài. Cái bên trong đôi khi được đánh đồng với cái TỰ-MÌNH, vốn
cần được hiện thực hóa và biểu lộ ra: các vĩ nhân làm cho tính bên trong
không-ý-thức của những người đương thời với họ trở nên có Ý THỨC.
Nhưng thường thì tính bên trong là có ý thức; nó có thể là đời sống bên
trong đặc trưng cho mọi con người, hoặc tính bên trong tự giác một cách
đặc biệt hay tính bên trong CHỦ QUAN chẳng hạn nơi Socrates, Descartes,
đạo Tin Lành và CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN. Tính bên trong theo nghĩa
này là tương đồng với tính nội tâm (Innigkeit, Anh: inwardness, intimacy),