3. Động từ äussern (phát biểu ra, thể hiện ra), nhất là trong hình thức
phản thân sich äussern (tự phát biểu, tự thể hiện) được sử dụng, chẳng hạn,
để nói về việc lực tự-thể-hiện ra bên ngoài. Äusserung là “sự thể hiện”,
chẳng hạn, của một lực. Vì không có động từ tương ứng là innern hay danh
từ Innerung, nên Hegel thường sử dụng một danh từ khác (chẳng hạn
Rückkehr, “sự quay trở lại”) hay động từ (zurückkehren, quay trở lại) để nói
lên sự rút lui vào trong chính mình, chẳng hạn của một lực, sau khi nó đã
có tác động của nó. Nhưng ông thường dùng động từ (sich) erinnern ((tự)
HỒI TƯỞNG) theo nghĩa này, đặt nó tương phản với (sich) entäussern
((tự) XUẤT NHƯỢNG), v.v.). Ausdruck và ausdrücken (nghĩa đen là “thể
hiện ra”) cũng được dùng cho những biểu hiện của lời nói, cơ thể và nghệ
thuật.
4. Hegel thường sử dụng trạng từ aussereinander (“bên ngoài nhau”),
như một danh từ das Aussereinander (sự tồn tại-bên-ngoài-nhau), để biểu
đạt ý tưởng rằng cái CẢM TÍNH (khác với TƯ TƯỞNG và BIỂU
TƯỢNG) và TỰ NHIÊN (khác với TINH THẦN) là ở-bên-ngoài-chính
mình, nghĩa là trải rộng trong không gian và thời gian, chứ không đơn giản
là ở bên ngoài con người.
Hoàng Phú Phương dịch
Biện chứng (phép) [Đức: Dialektik; Anh: dialectic]
Dialektik xuất phát từ chữ dialektikē (technē) của tiếng Hy Lạp, chữ
này đến từ động từ dialegesthai, nghĩa là “đối thoại”, nguyên nghĩa là
“nghệ thuật đối thoại”, nhưng thường được Plato sử dụng cho phương pháp
triết học đúng đắn. (Plato ủng hộ các phương pháp khác nhau tại những
thời điểm khác nhau, nhưng ông thường xem phương pháp đang được ưa
thích hơn của ông là “phép biện chứng”). Ở thời cổ đại, Zenon ở Elea được
xem như người sáng lập phép biện chứng, bởi các chứng minh gián tiếp của
ông, chẳng hạn như về sự bất khả của vận động bằng cách rút ra những sự
phi lý hay MÂU THUẪN từ giả định rằng có vận động diễn ra. Phép biện