HỘI DÂN SỰ, và rồi đến NHÀ NƯỚC. Nhưng phép biện chứng không
những là đặc điểm của các khái niệm, mà còn của các sự vật và các diễn
trình thực tồn. Chẳng hạn, một a-xít và một chất kiềm (1) thoạt đầu vốn
tách biệt và khác nhau; (2) hòa tan vào nhau và mất đi các thuộc tính riêng
của chúng; và (3) mang lại một chất muối trung tính, với những thuộc tính
mới. Hay sự GIÁO DỤC của một cá nhân bao hàm sự THA HÓA khỏi
trạng thái tự nhiên của con người, sau đó trạng thái ấy được phục hồi và
hòa giải trên một bình diện cao hơn. Hegel cho rằng TINH THẦN có thể
chịu đựng những mâu thuẫn, trong khi chúng mang đến sự phá hủy của
những thực thể HỮU HẠN khác. Điều này được kết nối với một sự khác
biệt tiếp theo giữa tinh thần và TỰ NHIÊN. Phép biện chứng của các sự vật
và các sự kiện tự nhiên không phản ánh phép biện chứng của tư tưởng của
chúng ta về chúng: tư tưởng của chúng ta tiến lên một cách biện chứng từ
các giai đoạn thấp hơn đến các giai đoạn cao hơn của giới tự nhiên (chẳng
hạn, từ giới tự nhiên cơ giới đến giới tự nhiên hữu cơ), trong khi sự tan rã
của một thực thể tự nhiên mang lại một thực thể thuộc về cùng một loại
hình hay thuộc về một loại hình tương tự (chẳng hạn hạt mầm mới của
cùng một cái cây), chứ không quá độ sang một giai đoạn cao hơn của giới
tự nhiên. Ngược lại, tinh thần có một lịch sử tăng tiến (chẳng hạn như sự
phá hủy một nhà nước thường dẫn đến một loại hình nhà nước mới, không
đơn giản là một nhà nước thuộc cùng một loại hình), và do đó sự phát triển
của nó thường, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, tương ứng với sự tiến
bộ của tư tưởng của ta về nó.
Hegel phân biệt phép biện chứng BÊN TRONG với phép biện chứng
BÊN NGOÀI. Phép biện chứng của các sự vật khách quan phải là nội tại
đối với chúng, vì chúng chỉ có thể lớn lên và chết đi bởi các mâu thuẫn thực
sự hiện diện trong chúng. Nhưng phép biện chứng có thể được áp dụng từ
bên ngoài đối với các khái niệm, tìm kiếm các thiếu sót trong chúng mà
chúng không thực sự có. Theo quan điểm của Hegel, điều này chính là sự
ngụy biện. Ngược lại, phép biện chứng đích thực là nội tại đối với các khái
niệm hay các phạm trù: nó phát triển triệt để các thiếu sót mà chúng có và