làm cho chúng “quá độ” (übergehen) sang khái niệm hay phạm trù khác.
Hegel thường tuyên bố như thể là chính bản thân các khái niệm, chứ không
phải nhà tư tưởng chỉ huy thao tác này, và rằng chúng biến đổi và sụp đổ
một cách tự trị, theo cách mà các sự vật tiến hành, ngoại trừ việc “sự vận
động (Bewegung) biện chứng” của chúng là phi thời gian. (Schelling và
Kierkegaard phê phán Hegel vì việc nói về “sự vận động” của các khái
niệm). Có lẽ ông đơn giản muốn nói rằng nhà tư tưởng theo dõi hạt mầm tự
nhiên của các khái niệm trong khi trình bày các mâu thuẫn của chúng và đề
ra các giải pháp cho chúng, nhưng dù vậy ông tin rằng có một sự song hành
giữa sự phát triển của tư tưởng hay của khái niệm và sự phát triển của sự
vật hàm ý rằng phép biện chứng là nội tại đối với cả hai. Trong tinh thần
đó, phép biện chứng không phải là một phương pháp, theo nghĩa một
phương thức mà nhà tư tưởng áp dụng vào chủ đề của mình, mà là cấu trúc
và sự phát triển nội tại của bản thân chủ đề.
Theo quan điểm của Hegel, phép biện chứng giải thích mọi sự vận
động và biến đổi, cả trong thế giới lẫn trong tư tưởng của ta về nó. Nó cũng
giải thích tại sao sự vật, cũng như các tư tưởng của ta, lại cố kết một cách
có hệ thống với nhau. Nhưng tính chất thoáng qua của các sự vật hữu hạn
và sự nâng mình lên (Erhebung) trên cái hữu hạn được tác động bởi tư
tưởng biện chứng cũng có một ý nghĩa tôn giáo đối với ông, và ông có
khuynh hướng đồng hóa phép biện chứng theo nghĩa phủ định với QUYỀN
NĂNG (Macht) của Thượng Đế.
Cù Ngọc Phương dịch
Biểu tượng và Hình dung (thành biểu tượng) (sự) [Đức:
Vorstellung und Vorstellen; Anh: representation and conception]
Động từ vorstellen, nghĩa đen là “đưa ra, đặt ra trước mặt”, được dùng
để giới thiệu hay đề cử cái gì đó, thường là một người nào đó cho một
người khác và trình bày cái gì đó, ví dụ trong NGHỆ THUẬT (thường là ít