Tác giả lại nêu tiếp trường hợp một người đàn ông bị gù vì có
bướu ở lưng; thân thể anh bị biến dạng đi do cái bướu ấy; tứ chi cũng
ở trong tư thế bất bình thường để giữ cho thân được thăng bằng; bộ
mặt cũng có vẻ nhăn nhó, khó ở. “Ông hãy che cái khuôn mặt ấy đi -
Diderot viết - hãy chỉ đưa cho tự nhiên xem cái bàn chân, và tự nhiên
sẽ nói, chẳng do dự: Cái bàn chân này là bàn chân của một người gù
lưng”...
Diderot gọi đó là “những ý nghĩ kỳ quặc”. Nhưng thật ra, các
nhận xét ấy vừa tinh tế, thú vị, lại vừa có ý nghĩa. Ông nhằm chứng
minh: “Tự nhiên chẳng làm cái gì sai quy tắc. Mọi hình dáng, dù đẹp
hay xấu, đều có nguyên nhân của nó; và trong các thực thể đang tồn
tại, chẳng có thực thể nào là không đúng như nó phải thế”. Vậy tác
phẩm muốn đạt được tính chân thật không thể không theo sát tự nhiên,
ông lại nhận xét trong tự nhiên, do rất nhiều hoàn cảnh quy định, nên
hầu như chỉ thần thánh là có thân hình hoàn toàn cân đối. Cái đẹp xây
dựng trên nền tảng của cái thật phải tính đến điều đó. Chẳng lẽ khi vẽ
người, ta cứ “bắt các hình phải phụ thuộc vào chiều cao của đầu, và
những cái đầu vào chiều dài của mũi?” Diderot nghĩ khác: “Hình vẽ sẽ
tuyệt vời, không phải khi tôi nhận thấy ở đó các tỷ lệ cân xứng chính
xác, mà hoàn toàn ngược lại, khi tôi thấy một hệ thống những biến
dạng ràng buộc chặt chẽ với nhau và hết sức tất yếu”
Theo ông, tính chân thật của tác phẩm bị tổn hại vì nghệ sĩ thiếu
hiểu biết tự nhiên đã đành, cố tình nhắm mắt làm trái với tự nhiên lại
càng vô lý. Chẳng hạn như bức tượng vua Louis XV của nhà điêu
khắc Le Moyne ở học viện quân sự kia. Diderot kể rằng có một lần
nhà điêu khắc dến tạc chân dung cho ông. Ông ngồi mẫu. Nhà điêu
khắc đứng trước mặt, im phăng phắc, chân phải co lên, bàn tay trái
chống nạnh bên trái, ông liền hỏi nghệ sĩ:
- Thưa ông Le Moyne, ông đứng như thế có thoải mái không?
- Rất thoải mái, nhà điêu khắc trả lời.