ơi, hội họa là nghệ thuật gay go biết chừng nào! Tôi nói gọn trong một
dòng điều mà họa sĩ để cả tuần chưa chắc đã phác họa xong”.
Còn bóng tối và ánh sáng? Ông khuyên: “Ai chưa từng nghiên
cứu và cảm thấy những hiệu quả của ánh sáng và của bóng tối ở chốn
thôn quê, ở cuối rừng sâu, trên các ngôi nhà trong xóm, trên các mái
nhà ngoài phố, về ban ngày, về ban đêm, thì hãy bỏ bút vẽ đấy; nhất là
anh ta đừng có mơ màng trở thành họa sĩ phong cảnh”.
Theo Diderot, tự nhiên đối với nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng
hơn nhiều so với mọi người. “Đối với tôi, - ông viết - tự nhiên chỉ là
một quang cảnh, đối với nghệ sĩ, tự nhiên còn là kiểu mẫu để vẽ”
chỉ là một cách nói, vì đối với Diderot nhà phê bình nghệ thuật, vấn đề
lại khác. Trong các dòng cuối cùng của Những tùy bút về hội họa, tác
giả nhấn mạnh rằng “kinh nghiệm và học hỏi, đấy là những điều tiên
quyết của cả người làm ra lẫn người bình phẩm”. Trong thực tế, có
hiện tượng cùng một tác phẩm mà mỗi người thưởng thức, đánh giá
khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược. Giá trị của tác phẩm dường
như cũng biến đổi tùy theo thời đại. Vậy có tiêu chuẩn gì để đánh giá
tác phẩm tương đối xác đáng không? Hay nên phân biệt hai thứ giá trị,
giá trị “cố định” của tác phẩm trong khâu sáng tác và giá trị “biến đổi”
của tác phẩm trong khâu thưởng thức? Vấn đề lý luận này đang là mối
quan tâm của thời đại chúng ta, mỗi ngày một sáng tỏ thêm, nhưng
chưa phải đã được giải quyết. Luận điểm vừa kể trên của Diderot mở
ra vấn đề ấy, tuy ông chưa có điều kiện đi sâu xem xét mọi khía cạnh
khác nhau. Ông đòi hỏi nhà phê bình không những phải có kinh
nghiệm và học hỏi mà còn phải có xúc cảm nữa. Nhưng đó là con dao
hai lưỡi. Thiếu nó thì sự phê bình trở nên khô khan, không sức sống.
Ngược lại, nó cũng ảnh hưởng đến sự sáng suốt khách quan của nhà
phê bình, nhất là khi nó bị đẩy đến chỗ cực đoan.
Diderot quả là có tầm suy nghĩ sâu xa, nêu lên được những vấn
đề có ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ của thời đại ông. Cách giải