rằng ông xem xét vấn đề có phần đơn giản khi đòi hỏi nghệ sĩ phải vẽ
đúng hệt như tự nhiên. Trong lý luận cũng như trong phê bình, ông
luôn tỏ ra yêu thích các tác phẩm thể hiện cuộc sống đúng chi li; ông
chê một vài chi tiết ở bức tranh này vẽ không thật hệt, ông khen những
chi tiết ở bức tranh khác họa sĩ thể hiện khéo quá, sinh động chẳng
thua gì tự nhiên; ông khuyên họa sĩ đừng nên vẽ thần Neptune thò đầu
ra khỏi mặt nước, vì trong trường hợp ấy, theo luật khúc xạ, tất phải vẽ
cái đầu trật ra khỏi hai vai của thần!
Nhưng bên cạnh hệ thống ý kiến ấy, về mối quan hệ giữa cái thật
và cái đẹp, ta lại thấy Diderot còn có một loạt ý kiến khác lắm, nhiều
khi khác hẳn và đúng đắn hơn. Hình như ở đây, nhà lý luận của chúng
ta có hiện tượng lưỡng hóa. Vấn đề là phải xem xét nguyên nhân và
mối liên quan giữa hai mặt.
Đúng thế, cái thật trong tự nhiên và cái thật trong nghệ thuật có
đồng nhất không? Rõ ràng có những lúc Diderot thiên về chiều hướng
khẳng định như bao ví dụ đã nêu trên kia. Nhưng cũng chính ông, ở
phần cuối cùng của Những tùy bút về hội họa đã nói rõ rằng cái thật sẽ
đẹp nếu ta thêm vào phẩm chất ấy một tình huống hiếm có, chói lọi
nào đấy. Trong Suy nghĩ tản mạn, nhà mỹ học còn nói rõ hơn: “Cái
đẹp chỉ là cái thật được nâng lên bởi những tình huống có thể có,
nhưng hiếm hoi và kỳ diệu”
. Như vậy, cái đẹp không tách rời cái
thật, nhưng chẳng phải bất cứ cái thật nào cũng là đẹp. “Nếu việc giải
bài toán ba thực thể chỉ là sự chuyển động của ba điểm cho trước trên
một mảnh giấy ông viết - thì chẳng có gì đáng kể, đó là một sự thật
thuần túy tư biện. Nhưng nếu một trong ba thực thể ấy là vì tinh tú
chiếu sáng chúng ta ban ngày; thực thể kia là vì tinh tú soi tỏ chúng ta
ban đêm; và thực thể thứ ba, quả địa cầu chúng ta đang ở: đột nhiên sự
thật trở thành lớn lao và đẹp đẽ”
. Đây là lý do đầu tiên buộc nghệ sĩ
phải chú ý đến nguyên tắc lựa chọn, và chỉ cần một điểm đó thôi có lẽ
ta cũng đã không nên nói đến một thứ “chủ nghĩa tự nhiên” ở Diderot.