Khi mọi người đã ra đi hết, tôi từ trong góc phòng bước ra, và tôi
trở về nhà như tôi đã đến. Dọc đường, tôi lau mắt, và tôi tự nhủ để an
ủi mình, bởi vì tôi thấy lòng buồn lắm: “Mình phải là người rất tốt mới
sầu não thế này. Tất cả đấy chỉ là một vở hài kịch. Dorval đã lấy đề tài
từ trong đầu anh. Anh đã chuyển thành kịch tùy theo sở thích của anh,
và hôm nay người ta diễn nó để mua vui”.
Tuy nhiên một vài tinh huống khiến tôi bối rối. Chuyện của
Dorval thì ở vùng này ai chẳng biết. Kịch diễn rất chân thật, đến nỗi ở
nhiều đoạn, quên mất mình là khán giả, và là khán giả chẳng ai nhìn
thấy, tôi suýt bước ra khỏi chỗ của tôi và thêm một nhân vật có thật
vào màn kịch. Thế rồi, làm sao có thể dàn xếp những gì vừa xảy ra với
các ý nghĩ của tôi. Nếu vở kịch này là một hài kịch như bao hài kịch,
tại sao họ đã không diễn lớp kịch cuối cùng? Đâu là nguyên nhân nỗi
đau đớn sâu sắc của họ khi nhìn thấy ông lão đóng vai Lysimond?
Mấy ngày sau, tôi đến cám ơn Dorval về buổi diễn thú vị và dữ
dội mà anh đã chiều lòng cho tôi được dự...
“Vậy là ông đã hài lòng về buổi đó chứ?...”
Tôi thích nói sự thật. Anh ta thích nghe sự thật; và tôi trả lời anh
rằng diễn xuất của các diễn viên gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi đến nỗi
tôi không thể phát biểu về những mặt khác; vả chăng, vì chẳng được
nghe lớp kịch cuối cùng, nên tôi không biết kết cục ra sao; nhưng nếu
anh vui lòng cho tôi đọc tác phẩm, tôi sẽ nói cho anh biết ý kiến của
tôi...
“Ý kiến của ông! mà hiện nay tôi không biết những gì tôi muốn
biết về ý kiến của ông hay sao? Một vở kịch viết ra để đọc thì ít mà
chủ yếu là để diễn; việc diễn vở kịch này đã làm ông hài lòng, tôi
không cần gì hơn nữa. Tuy nhiên vở kịch đây; ông đọc đi và chúng ta
sẽ nói về nó”.
Tôi cầm tác phẩm của Dorval; tôi bình tâm đọc nó, và chúng tôi
nói chuyện về vở kịch ngày hôm sau và hai ngày tiếp theo
.