cũng có ý nghĩa thẩm mỹ, nhưng tác phẩm nghệ thuật xứng đáng với
tên gọi của nó không thể thiếu được phẩm chất này. Vấn đề có liên
quan đến tính mục đích của nghệ thuật mà chẳng thời đại nào là không
để tâm đến.
Cái hữu ích có khi không nằm trong dự tính của nghệ sĩ, nhưng
nó cứ thâm nhập vào tác phẩm nếu quả thực nghệ sĩ đã tạo nên một cái
gì đó đẹp. Diderot đưa ra bằng chứng công trình kiến trúc mỹ thuật
tuyệt vời của Michel-Ange, đó là cái vòm mái giáo đường Saint-Pierre
ở La Mã hình dáng đẹp nhất xưa nay. Hơn một thế kỷ sau, nhà thiên
văn và toán học La Hire qua thăm La Mã sửng sốt vì cái vòm mái kỳ
diệu ấy và tò mò lập đồ dạng của nó. La Hire càng sửng sốt hơn thấy
đồ dạng là một đường cong có sức chịu đựng lớn nhất.
Cũng có thể nghĩ ngược lại, chính kinh nghiệm hằng ngày của
cuộc sống đã gợi ý cho Michel-Ange cái đường cong kia, điều mà
môn hình học của Viện Hàn lâm thời bấy giờ chưa chắc đã giải quyết
được, và kết quả là một cái vòm mái giáo đường tuyệt mỹ! Dù hiểu
thế nào thì đấy cũng là thêm một bằng chứng hùng hồn về sự gắn bó
khăng khít giữa cái đẹp và cái tốt. Với cái vòm mái giáo đường Saint-
Pierre, Michel-Ange tỏ ra là người có khiếu thẩm mỹ, hiểu theo
Diderot đó là “sự nhạy bén thu được bằng kinh nghiệm lặp đi lặp lại
trong việc nắm bắt cái thật hoặc cái tốt (ở trường hợp này là cái tốt -
PVT), với tình huống khiến nó trở thành đẹp”
.
Trong quan niệm nghệ thuật của Diderot, cái tốt bao hàm một
nghĩa khá rộng. Trước hết, cái tốt là cái đạo đức, đó là một trong hai
mối quan tâm suốt đời của triết gia như ta đã biết, vấn đề có ý nghĩa
lịch sử. Đã trở thành quy luật, thời buổi suy vong của bất cứ triều đại
nào, giai cấp nào cũng đều được quét lên lớp sơn ăn chơi sa đọa. Giai
cấp quý tộc Pháp và triều đình nhà vua trong thế kỷ XVIII không tránh
khỏi lối mòn sa vào vũng bùn trụy lạc. Một số các nhà tài chính lớn