nhân dân phải đi vào tranh, tượng. Muốn thế, nghệ sĩ phải thâm nhập
cuộc sống của nhân dân.
Nhà văn Aitmatov viết khi bàn về điện ảnh: “Các nhà khảo cổ
xác định niên đại xây dựng những kim tự tháp Ai Cập, các nhà toán
học tính toán những thông số của các kim tự tháp đó, các nhà ngôn
ngữ học giải mã tên họ các vua chúa được ướp xác trong các căn
phòng giát vàng. Tưởng chừng như đã biết được nhiều điều. Có một
điều chưa ai biết được: những người đó (những người xây dựng kim tự
tháp - PVT) là ai?... Thực chất mang tính xã hội của quy luật của chủ
nghĩa hiện thực là ở chỗ tìm ra con người trong con người chăng?”. Có
lẽ cũng nói được rằng Diderot đã phần nào nhìn thấy “con người trong
con người” và đối tượng của nghệ thuật là những con người ấy.
Đó là những con người lao động bình thường hằng ngày. Phải
biết nhìn thấy và biết khai thác cái đẹp ở họ. Diderot chê Boucher tuy
có vẽ các trẻ em đấy, nhưng toàn là những trẻ em để nô giỡn trên mây,
chẳng ai tìm được trong tranh của ông một đứa trẻ nào dùng được vào
những hoạt động thiết thực của đời sống như học bài, đọc sách, viết
lách hay tước vỏ cây gai. Diderot hối hả giục Vemet cầm bút chì ghi
ngay lấy cảnh nhóm phụ nữ kia, người thì đang cúi xuống nhúng quần
áo vào chậu giặt, người thì ngồi xổm vắt quần áo cho kiệt nước, người
thì đứng với sọt quần áo đội trên đầu mang đi phơi.
Con người trong con người không phải là những kẻ thuộc địa vị
cao sang, mà là “những người thuộc địa vị thấp hèn hợp thành nhân
dân, bị áp bức, mặc dù chính họ tạo nên sức mạnh của một quốc gia,
thương mại, nông nghiệp và dân cư” như Diderot đã viết trong thư gửi
người bạn gái Sophie Volland bàn về nhóm tượng đài ở Reims.
Ai là kẻ áp bức, bóc lột người lao động? Bọn phong kiến và một
bộ phận tư sản giàu có. Cái tốt, cái hữu ích, cái đạo đức lao động trong
tác phẩm nghệ thuật, cơ sở của cái đẹp, còn thể hiện ở chỗ nghệ sĩ có
dùng tác phẩm của mình làm vũ khí đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp