vô số tên khác nhau, tất cả chỉ biểu thị những loại đẹp khác nhau”
(Luận về cái đẹp).
Xét về phương diện triết học, định nghĩa kể trên cắm một cái mốc
của mỹ học duy vật, Diderot gắn cái đẹp với những mối tương quan
chúng tồn tại trong thế giới hiện thực.
Luận điểm về những mối tương quan sẽ được triển khai trong
Những tùy bút về hội họa dưới dạng các dẫn chứng cụ thể như trường
hợp người phụ nữ bị mù từ khi còn nhỏ tuổi... Nhắc đến bức tượng nổi
tiếng Laocoon thời cổ đại, ông phân tích: “Laocoon đau đớn, tượng
không nhăn nhó, tuy thế nỗi đau dữ dội len lỏi từ mút ngón chân lên
đến tận đỉnh đầu”. Ông viết: “Trong thiên nhiên tất cả đều móc nối với
nhau... Một người gù lưng thì gù lưng từ đầu đến chân...”. Ảnh hưởng
cũng xảy ra giữa người này với người khác. Giả sử có một người đọc
sách và một người ngồi nghe. Giữa hai người sẽ hình thành mối quan
hệ tương hỗ: “Ông hãy thêm vào cảnh một nhân vật thứ ba - Diderot
viết - người ấy sẽ chịu tác động quy luật của hai nhân vật đầu; đó là
một hệ thống ba mối quan tâm phối hợp với nhau. Hãy để một trăm,
hai trăm, một nghìn người đến thêm, vẫn cái quy luật ấy sẽ chi phối...
Trường hợp này cũng giống như lá trên cây: không có lá nào màu
xanh giống lá nào, nên chẳng ai có điệu bộ và tư thế giống ai”.
Đây chính là cái nhìn rất mới thời đó đối với hiện thực, một yêu
cầu rất mới đối với nghệ thuật khiến ta có thể nói Diderot đã phác họa
được ít nhiều nét lý luận cơ bản của phương pháp sáng tác hiện thực
chủ nghĩa. Ông đã cung cấp cho nghệ sĩ một thứ “kỹ thuật” để miêu tả
chân thực cuộc sống. Đây là một phát hiện của trí tuệ chứ không phải
chỉ là phát hiện của thị giác. Tuy nhiên, bên cái kỹ thuật còn có cái
tinh thần, cái lý tưởng. Cái đẹp có cơ sở khách quan nhưng không bỏ
qua vai trò nhận thức của chủ thể. Chính vì có sự tác động của nghệ sĩ
mà nghệ thuật là sáng tạo.
Tính mục đích của nghệ thuật hướng nghệ sĩ đi vào lựa chọn, từ
đơn giản đến phức tạp. Diderot đặc biệt quan tâm đến cái bình thường