không hay lại quỳ mọp trước thế lực của kim tiền. Diderot nhận thức
được vấn đề ấy và ưu điểm đó của ông trong chừng mực nhất định đã
đi xa hơn thời đại. Trong một thư khác gửi Sophie Volland, ông viết:
“Tất cả các sự bàn luận của chúng ta về thói hư tật xấu, đức hạnh, cái
thật, cái tốt, cái đẹp, cái lương thiện đều là rất phù phiếm đối với
những kẻ định giá mọi thứ theo trọng lượng của vàng”. Đấy là đối với
những kẻ muốn hưởng thụ nghệ thuật một cách ích kỷ. Còn đối với
nghệ sĩ? Theo ông, “Lúc nghệ sĩ nghĩ đến tiền bạc, anh ta mất ý thức
về cái đẹp”
; lúc nghệ sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng của kẻ giàu có,
anh ta chỉ có thể sản sinh ra “một tác phẩm tầm thường và chẳng có
giá trị gì hết”
.
Với suy nghĩ ấy, Diderot đã đưa mỹ học thời đại ông lên một đỉnh
khá cao. Ông kêu gọi các họa sĩ vươn tới một nền hội họa hoạt động,
vẽ những bức tranh gợi cho khán giả thấy thời điểm đã qua và báo cho
khán giả biết thời điểm sẽ đến. Đấy chẳng phải là một điều mới mẻ
hay sao?
Không thể thấy hết được ý nghĩa mối quan hệ giữa cái tốt và cái
đẹp trong quan niệm mỹ học của Diderot nếu bỏ qua sự gắn bó khăng
khít giữa cái thật và cái tốt. Tác giả viết: “Trong mọi sự bắt chước tự
nhiên đều có mặt kỹ thuật và mặt tinh thần” (Suy nghĩ tản mạn). Có
khi ông diễn đạt dưới dạng “đạo đức và phép phối cảnh” (Suy nghĩ tản
mạn...) hoặc “cái kỹ thuật và cái lý tưởng” (Phòng triển lãm năm
1767).
Nhiều văn nghệ sĩ tiến bộ có khát vọng phản ánh chân thực cuộc
sống, nhưng thế nào là chân thực thì mỗi người quan niệm một vẻ.
Vấn đề là ở chỗ miêu tả theo nguyên tắc nào và miêu tả cái gì. Căn cứ
ý kiến của Diderot trong Luận về cái đẹp đã dẫn trên kia: “Tôi gọi là
đẹp ở bên ngoài tôi...” thì theo ông, nhận thức về những mối tương
quan là nền tảng của cái đẹp. Ông còn viết tiếp: “Chính là nhận thức
về những mối tương quan mà người ta đã gọi trong các ngôn ngữ bằng