Sự hư hỏng của các diễn viên thời nay, theo tôi, hình như là một
cái di sản bất hạnh mà các diễn viên thời xưa lưu lại cho họ.
NGƯỜI THỨ NHẤT
Tôi tin như vậy.
NGƯỜI THỨ HAI
Nếu sân khấu ra đời vào thời nay là lúc người ta có những ý nghĩ
đúng đắn hơn về các sự việc, có lẽ rằng... Mà kìa, ông không nghe tôi
nói ư? Ông mơ mộng gì thế?
NGƯỜI THỨ NHẤT
Tôi theo đuổi ý tưởng ban đầu của tôi và tôi nghĩ đến ảnh hưởng
của sân khấu đối với thị hiếu và đối với phong tục nếu các diễn viên là
những người lương thiện và nếu nghề nghiệp của họ được tôn trọng.
Nhà thơ nào dám đề nghị những người đàn ông con nhà danh giá thuật
lại trước công chúng các lời lẽ tầm thường hay thô lỗ, đề nghị các phụ
nữ tương đối đứng đắn như phụ nữ nước ta thốt lên một cách trơ trẽn
trước đám đông thính giả những câu chuyện mà chắc họ sẽ ngượng đỏ
mặt khi nghe trong chốn phòng riêng? Rồi đây các kịch tác gia của
chúng ta chắc sẽ đạt tới một mức tinh khiết, một sự tế nhị, một vẻ tao
nhã mà hiện nay họ không thể ngờ được là còn xa xôi đến thế. Vả lại,
ông không tin là tinh thần dân tộc bị tổn hại vì điều đó hay sao?
NGƯỜI THỨ HAI
Người ta có thể sẽ bác bẻ lại ông rằng những vở kịch xưa cũng
như nay mà các diễn viên đứng đắn của ông loại ra khỏi danh mục
biểu diễn chính là những vở mà chúng ta diễn ở ngoài đời.
NGƯỜI THỨ NHẤT
Thế tại sao mà đồng bào của chúng ta lại hạ mình xuống thân
phận của bọn phường chèo đê tiện nhất? Chẳng lẽ các diễn viên của
chúng ta nâng mình lên thân phận của những công dân lương thiện
nhất là ít hữu ích hơn, là ít đáng mong ước hơn hay sao?
NGƯỜI THỨ HAI