nghi chút nào với lối diễn tấu nghẹn ngào, đứt quãng, nức nở của tôi.
Ông thấy rằng mô phỏng tự nhiên, kể cả tự nhiên đẹp, và mô phỏng sự
thật một cách quá sát sao cũng không được, mà có những giới hạn ta
cần phải chấp nhận. - Thế những giới hạn đó, ai đã đặt ra? - Lương tri,
nó không muốn tài năng này làm hại tài năng khác. Đôi khi diễn viên
phải hy sinh cho nhà thơ. - Nhưng nếu kịch bản của nhà thơ thích ứng
với điều đó thì sao? - Ồ! Thế thì ông sẽ có một loại bi kịch hoàn toàn
khác với loại bi kịch của ông. - Như vậy có gì là bất lợi đâu? - Tôi
không biết rõ lắm ông sẽ được gì, nhưng tôi biết rất rõ ông sẽ mất
những gì”.
Đến đây, con người có ý kiến ngược đời tới gần đối thủ của mình
lần thứ hai hay lần thứ ba gì đó và nói:
“Lời lẽ bất nhã nhưng ngộ nghĩnh, và đó là lời lẽ của một nữ diễn
viên ai cũng nhất trí công nhận tài năng. Cũng tương tự như lời lẽ và
tình huống của cô Gaussin; cô cũng ngã vật vào giữa Pillot, Pollus; cô
đang hấp hối, ít ra là tôi tưởng như vậy, và cô ấp úng rất khẽ với anh
chàng: Chà! Pillot, sao mà cậu khắm thế!”.
Lời đó là của cô Arnould trong vai Télaire. Vậy trong lúc ấy,
Arnould có thực là Télaire không? Không, cô ta là Arnould, luôn luôn
là Arnould. Ông sẽ chẳng bao giờ lôi cuốn tôi ca ngợi được những cấp
bậc trung gian của một tính chất, nếu bị đẩy đến cùng cực, và nếu diễn
viên bị nó chế ngự thì mọi việc sẽ hỏng bét. Nhưng giả thử nhà thơ
viết ra một lớp kịch để diễn tấu trên sân khấu hệt như tôi thuật lại nó ở
ngoài đời, ai là người sẽ diễn lớp kịch ấy? Chẳng có ai, không, chẳng
có ai, kể cả diễn viên làm chủ được động tác của mình nhất. Nếu xoay
xở tốt được một lần, anh ta sẽ thất bại một ngàn lần khác. Như thế thì
sự thành công bấp bênh biết chừng nào! Lập luận vừa rồi ông cho là ít
vững chắc phải không? Thôi được; nhưng tôi sẽ không vì thế mà bớt
kết luận rằng phải làm xẹp sự khoa trương của chúng ta đi chút ít, phải
hạ thấp đôi cà kheo của chúng ta xuống vài nấc, và phải để cho sự vật
vốn dĩ ra sao thì được gần gần như thế. Hễ có một nhà thơ thiên tài đạt