“Kinh nghiệm và học hỏi, đấy là những điều tiên quyết của cả
người làm ra và người bình phẩm”, Diderot đã nhận định như thế
trong Những tùy bút về hội họa. Ông còn đòi hỏi nhà phê bình phải có
xúc cảm nữa. Nhưng như ta biết, theo ông, đây là con dao hai lưỡi,
dùng nó phải cẩn thận. “Lý trí đôi khi điều chỉnh sự bình phẩm vội vã
của xúc cảm - ông viết - nó chống lại sự bình phẩm ấy. Do đó mà có
biết bao tác phẩm vừa được tán thưởng xong đã bị quên lãng ngay;
biết bao tác phẩm khác chẳng ai để ý đến hoặc bị chê bai, nhưng trải
qua thời gian, cùng với sự tiến bộ của tư tưởng và của nghệ thuật, và
sau khi thiên hạ nghiền ngẫm điềm tĩnh hơn, chúng lại được đánh giá
công lao xứng đáng”. Có tiêu chuẩn gì để đánh giá tác phẩm xác đáng
không? Diderot khẳng định là có và đánh giá rất cao vai trò của các
nhà nghiên cứu phê bình: “Người ta chỉ có thể thấy được giá trị của
tác phẩm bằng cách trực tiếp quy nó về với tự nhiên. Nhưng ai là
người biết truy nguyên đến tận đấy? Một con người thiên tài khác”.
Chắc chắn ngày nay chẳng ai hoàn toàn tán thành ông về điểm này, vì
rõ ràng vấn đề phức tạp hơn, giá trị của tác phẩm không phải chỉ đơn
thuần do kết quả của sự phản ánh quy định. Nhưng ý kiến của ông là
một tài liệu tham khảo quan trọng, rất bổ ích cho những ai muốn
nghiên cứu và lý giải hiện tượng đó một cách triệt để.
Xưa nay mấy ai đã nhớ đến chức năng đãi cát tìm vàng của công
việc phê bình, nên Diderot buộc lòng phải nhấn mạnh khía cạnh này,
nhấn mạnh tới mức nếu không biết rõ tính chiến đấu đã trở thành
nguyên tắc trong sự nghiệp của ông, chúng ta có thể nghĩ rằng ông rơi
vào chỗ cực đoan: “Có loại nhà trường mà tôi chắc hẳn sẽ gửi các học
trò của tôi tới học - ông viết - đó là loại trường ở đấy người ta dạy
cách nhìn cái tốt và nhắm mắt trước cái xấu. Này! Anh chỉ thấy trong
Homère đoạn nhà thơ miêu tả những trò trẻ con chán ngấy của chàng
Achille thôi ư? Anh khuấy cát của một dòng sông cuốn trôi những vẩy
vàng rồi trở về với hai bàn tay đầy cát, còn bỏ lại vẩy vàng”.