Diderot thực hiện được khá nhiều điều mong muốn. Có lẽ một
phần do chú ý đến tính đa dạng trong phong cách nên những bài phê
bình của ông không khô khan đơn điệu mà giàu sắc thái văn chương
như đã nói trên. Những bài phê bình ấy mang đậm dấu ấn của tác giả
không những là một triết gia mà còn là một nhà văn.
Trong lĩnh vực sân khấu, tài năng của Diderot không bộc lộ qua
các kịch bản. Các vở Đứa con hoang và Người cha trong gia đình ít
lôi cuốn được ai nên cũng chẳng đem lại sức mạnh cho thể loại kịch
đram mà nhà văn muốn thể nghiệm. Ngày nay chẳng ai nhớ đến chàng
thanh niên Dorval “đứa con hoang” và ông Orbesson “người cha trong
gia đình”.
Trái lại, phần lý luận của Diderot về nghệ thuật sân khấu, trước
hết là nghệ thuật diễn xuất, lại chứa đựng nhiều ý kiến mới mẻ. Cũng
phải nói ngay rằng quan điểm mỹ học cái thật, cái tốt, cái đẹp có quan
hệ mật thiết với nhau vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lĩnh vực này.
Trong Trò chuyện về Đứa con hoang, thật khó phân biệt đâu là kịch
diễn, đâu là cuộc đời. Và ở đây cũng thật khó phân biệt văn phong lý
luận với sáng tác nghệ thuật. Mới đọc qua nhan đề “Trò chuyện về
Đứa con hoang”, ta tưởng đâu đây thuần túy chỉ là một cuộc trao đổi
giữa tác giả với ai đấy về vở kịch của ông. Không phải, ông trò chuyện
với nhân vật Dorval trong vở kịch ấy hay người đóng vai Dorval
chăng? Cũng không phải, tuy tác giả cho ta biết rõ hai người chia tay ở
chân đồi vào lúc chiều tối, khoảng cách từ nơi đây đến nhà hai người
tương đương nhau. Có thể xem Trò chuyện về Đứa con hoang là một
tác phẩm hư cấu, mang đậm sắc thái văn chương. Đấy cũng là đặc
điểm của Ý kiến ngược đời về diễn viên, nơi những suy nghĩ độc đáo
“ngược đời” của ông được trình bày tập trung nhất.
Trong Những tùy bút về hội họa, phần IV, Diderot viết: “Một diễn
viên không thành thạo về hội họa là một diễn viên xoàng”. Đây có vẻ
lại là một “ý kiến ngược đời” vì hình như giữa nghệ thuật tạo hình và
nghề nghiệp diễn viên có một khoảng cách khá xa. Song có điều chắc