Và khi tác phẩm kết thúc bằng lời của “Người trò chuyện thứ nhất”:
“Nhưng khuya rồi. Chúng ta đi ăn tối”, thì cũng vẫn chỉ duy nhất “con
người suy nghĩ ngược đời” ấy tạm ngừng mạch suy tư để đi ăn tối mà
thôi. Dù sao thì cũng cứ tạm coi “con người suy nghĩ ngược đời” là
người phát ngôn chính của tác giả.
Ở một thời kỳ mà thiên hạ còn có thành kiến nặng nề với những
kẻ “xướng ca vô loài”, Diderot có tình cảm đặc biệt với diễn viên và
với nghề nghiệp của họ. Trong Ý kiến ngược đời về diễn viên, có nhiều
đoạn tác giả nói lên với tất cả tấm lòng trìu mến của mình rằng “diễn
viên là những con người có tài năng hiếm hoi và có ích lợi thực sự”,
nghề nghiệp của diễn viên là là nghề nghiệp ông “yêu mến”, ông “quý
trọng”. Bản thân ông thòi còn trẻ, khi đứng trước sự lựa chọn nghề
nghiệp ở ngưỡng cửa của cuộc đời, đã từng do dự giữa Đại học
Sorbonne và Kịch viện; ông không chỉ mê xem kịch mà còn ôm mộng
trở thành diễn viên. Vào những ngày rét mướt nhất của mùa đông,
chàng thanh niên Diderot vẫn thường đi dạo một mình trên những lối
đi vắng vẻ ở công viên Luxembourg, vừa đi vừa xướng to những vai
kịch của các tác giả cổ điển. Ông mơ ước vinh quang được vỗ tay tán
thưởng chăng? Ông muốn được sống suồng sã với các đào hát hiện
thân của nhan sắc lúc bấy giờ như cô Gaussin, cô Dangeville chăng?
Có thể lắm. Chính Diderot cũng thừa nhận như vậy. Nhưng chắc chắn
trong số các nguyên nhân, quan niệm của ông đối với ngành nghề này
cũng có một vai trò nào đấy.
Diderot viết: “Đặc biệt kịch là thứ thuần khiết nhất khi tất cả đều
đồi bại. Người công dân khi bước vào cửa rạp bỏ lại tất cả những thói
hư tật xấu của mình ở bên ngoài và chỉ lấy lại khi đi ra. Tại đấy, anh ta
công bằng, vô tư, là người cha tốt, là người bạn tốt, là bè bạn của đức
hạnh; và tôi thường thấy bên cạnh tôi những kẻ độc ác phẫn nộ ghê
gớm với các hành động mà thế nào họ cũng phạm phải, nếu họ ở vào
cùng một hoàn cảnh mà nhà thơ bố trí cho nhân vật bị họ ghét đắng
ghét cay”