không cưỡng lại tự nhiên... Clairon hỡi!... Chớ cam tâm để cho lề thói
và thành kiến khuất phục. Hãy dấn thân theo thị hiếu và thiên tài của
cô; hãy cho chúng tôi được thấy tự nhiên và chân lý!”
.
Sự chân thật trong diễn xuất, theo quan niệm của Diderot, cũng
cần được soi sáng bằng lý thuyết về những tương quan. Giọng nói,
ngôn ngữ, cử chỉ của diễn viên phải phù hợp với vai kịch của mình
trên sân khấu. Ông đòi hỏi sự chân thật trong tương quan ấy chứ
không hề đòi hỏi diễn xuất chân thật một cách máy móc, vì ông hiểu
rõ sân khấu không phải là cuộc đời, nhân vật trên sân khấu và nhân vật
ấy trong cuộc đời không bao giờ cũng trùng khớp, đó là chỗ khác nhau
giữa “sự thật ước lệ” và “sự thật tự nhiên”. Một nhân vật trên sân khấu
hay đến mấy, hấp dẫn đến mấy đi nữa cũng không thể giữ y nguyên
ngôn ngữ, cử chỉ như thế mà bước ra cuộc đời. Thiên hạ sẽ tưởng đâu
gặp một con người mất trí! Và ngược lại, diễn viên nhất định sẽ làm
cho mọi người thất vọng nếu khi bước lên sân khấu lại nói năng hành
động như lúc bình thường. “Ông hãy ngẫm nghĩ một lát - Diderot viết
- về cái mà người ta gọi là chân thực ở chốn kịch trường. Có phải là
trình bày các sự vật ở đấy như nó tồn tại trong tự nhiên hay không?
Tuyệt nhiên không. Cái chân thực theo nghĩa đó chỉ là cái tầm
thường...”. Tác giả cho biết lần đầu tiên trông thấy cô Clairon tại nhà
cô, ông đã phải thốt lên: “Ồ! thưa cô, tôi cứ tưởng cô phải cao hơn cả
một đầu nữa”, vì người diễn viên ở ngoài phố và trên sân khấu là hai
nhân vật khác nhau đến nỗi người ta khó mà nhận ra được! Trên sân
khấu mọi kích thước đều phải thay đổi, đó là một “thế giới khác”, vì
vậy cần có những nhân vật khác. Và tác giả kết luận, như khi ông bàn
về hội họa, là không thể bắt chước sự thật, bắt chước tự nhiên, kể cả tự
nhiên đẹp, một cách sít sao quá, mà có những ranh giới ta không nên
vượt qua.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa diễn viên và nhân vật, Diderot
xoáy suy nghĩ xa hơn, sâu hơn vào một hướng khác: giữa kiểu diễn