Tuy nhiên, ở những chỗ khác, Diderot lại có phần nào uốn nắn
các “ý kiến ngược đời” của chính bản thân ông cho bớt cực đoan hơn.
Chẳng hạn, trong Những cuộc trò chuyện về Đứa con hoang, ông viết:
“Một nữ diễn viên có óc đánh giá hạn chế, có óc sắc sảo tầm thường,
nhưng có sự mẫn cảm lớn lao thì nắm bắt được chẳng khó khăn gì một
trạng huống tâm hồn, và tìm ra được, chẳng cần nghĩ ngợi, âm điệu
phù hợp với nhiều tình cảm khác nhau hòa lẫn vào nhau”.
Cũng trong cuộc trò chuyện ấy, khi đề cập đến vấn đề ước lệ sân
khấu, nhà văn để cho nhân vật Dorval, chẳng phải ai khác mà cũng
chính là tác giả trả lời nhân vật “Tôi” như sau: “Vả chăng, về các ước
lệ sân khấu ấy, tôi nghĩ thế này. Nghĩ rằng ai không biết đến lý lẽ sáng
tác, cũng là không biết đến cơ sở của quy tắc, sẽ chẳng thể từ bỏ nó
hoặc theo nó một cách đúng lúc được. Người đó hoặc là quá tôn trọng
hoặc là quá miệt thị quy tắc, hai tảng đá ngầm trái ngược nhưng đều
nguy hiểm ngang nhau. Một phía chẳng coi là gì hết những nhận xét
và kinh nghiệm của các thế kỷ đã qua, và đưa nghệ thuật trở về thời kỳ
ấu thơ của nó; phía kia chặn đứng nghệ thuật ngay tại chỗ, và ngăn cản
nó tiến lên phía trước”.
Giữa tính mẫn cảm và óc đánh giá cần có sự hiệp đồng cân đối.
Trong thư gửi nữ diễn viên Jodin, tác giả đã phân tích cho cô thấy một
diễn viên mà chỉ có tri giác và óc đánh giá thì diễn xuất thường tẻ
nhạt; ngược lại, nếu chi có nhiệt hứng và sự mẫn cảm thì diễn xuất lại
lố lăng. Ông còn chỉ ra sự khác nhau một trời một vực giữa cái hùng
biện của người đàn ông lương thiện với cái hùng biện của nhà tu từ
học miệng thao thao mà lòng không xúc cảm, giữa diễn xuất của
người phụ nữ lương thiện với diễn xuất của người phụ nữ hư hỏng mà
luôn mồm lải nhải những châm ngôn về đạo đức! Như vậy là nhà lý
luận còn muốn lưu ý diễn viên một cái gì sâu xa hơn cả sự xúc cảm,
đó là tâm hồn. Cơ sở của thiên tài là ở đấy, chứ không phải chỉ là vấn
đề kỹ thuật diễn xuất. Thậm chí, ông viết thư khuyên nữ diễn viên