mới được xuất bản. Đó cũng là số phận của kiệt tác Cháu ông Rameau
(Le Neveu de Rameau), sáng tác khoảng năm 1761, lưu hành một vài
bản ở dạng chép tay trong số bạn bè quen biết. Một bản theo F. Grimm
về Đức, lọt vào tay Goethe, được ông dịch ra tiếng Đức. Mãi đến
1823, Cháu ông Rameau mới được dịch lại từ bản tiếng Đức để xuất
bản ở Paris, và tới gần cuối thế kỷ XIX, năm 1891, người ta mới tìm
thấy nguyên bản của nó! Tiểu thuyết không kém phần độc đáo Jacques
người theo thuyết định mệnh và chủ của hắn (Jacques le Fataliste et
son maître), sáng tác năm 1773 cũng phải đợi đến 1796 mới được ra
mắt công chúng...
Năm 1750, Diderot soạn từ “Cái đẹp” cho Bách khoa toàn thư
(Encyclopédie), nhưng nhiều năm sau tài năng của ông mới bộc lộ đầy
đủ trong lĩnh vực mỹ học, nghiên cứu và phê bình nghệ thuật, bao
gồm nghệ thuật diễn xuất của diễn viên và một số ngành nghệ thuật
khác. Năm 1753, ông viết Những nhận xét về nhà thờ Saint-Roch
(Observations sur l’église Saint-Roch, 1753), Hai năm sau xuất hiện
Lịch sử và bí mật của hội họa bằng sáp (Histoire et secret de la
peinture de cire). Tuy nhiên, ông chỉ thực sự bị lôi cuốn vào nghệ
thuật tạo hình, từ khi nhận lời mời của Grimm tham gia viết các bài
phê bình hội họa cho Thư tín văn học, triết học và phê bình
(Correspondance littéraire, philosophique et critique), ở Pháp, việc
trưng bày các tác phẩm hội họa có truyền thống từ lâu. Cuộc triển lãm
đầu tiên được tổ chức năm 1673 tại Hoàng Cung dưới thời thịnh trị
của vua Louis XIV. Cuộc thứ hai diễn ra hai mươi sáu năm sau tại
Phòng trưng bày của cung điện Louvre. Rồi bẵng đi đến 1737 mới lại
có triển lãm do Viện Hàn lâm Hoàng gia Hội họa và Điêu khắc tổ
chức. Cho tới 1745, triển lãm được tổ chức hằng năm, sau đó được
điều chỉnh lại cứ đều đặn hai năm một lần.
Thời bấy giờ, đời sống văn hóa ở Pháp có tiếng vang rộng rãi
khắp châu Âu. Giới thượng lưu ở nhiều nước có nhu cầu hiểu biết đời
sống ở Paris và văn chương nghệ thuật Pháp. Ngược lại, Pháp cũng có