chính Chardin đã tự mình hướng dẫn ông thăm phòng triển lãm, giải
thích cặn kẽ những điều ông muốn biết rõ trong lĩnh vực chuyên môn.
Mối quan hệ giữa Diderot với Falconet cũng thật đặc biệt. Vào khoảng
mùa đông năm 1765, trong căn phòng làm việc ở tầng gác thứ năm
phố Taranne tại thủ đô Paris đã diễn ra cuộc trò chuyện tranh luận sôi
nổi hết ngày này sang ngày khác của triết gia với một trong số những
nhà điêu khắc, nhà tạc tượng danh tiếng nhất của thời đại. Ít lâu sau,
Falconet nhận lời mời của nữ hoàng Nga Ekaterina II sang
Pétersbourg tạc tượng Pierre Đại đế, nhà triết học và nhà điêu khắc
vẫn tiếp tục tranh luận với nhau qua thư từ. Hai mươi lăm lá thư trao
đổi giữa Paris và Pétersbourg từ ngày 4.XII.1765 đến ngày 28.IV.1767
về sau đã được tập hợp lại thành cuốn Phải và trái (Le Pour et le
contre).
Những bài viết của Diderot liên quan đến âm nhạc không nhiều,
nhưng đủ chứng tỏ mức quan tâm của ông đến khía cạnh “kỹ thuật”
của âm nhạc, và theo José Bruyr, ông “có quyền có một địa vị ngay
trong lịch sử âm nhạc”.
Nghệ thuật sân khấu có sức lôi cuốn Diderot mãnh liệt không
kém, trước hết là công việc diễn xuất của diễn viên, ông sáng tác kịch
bản không nhiều và không thành công. Các vở Đứa con hoang và
Người cha trong gia đình rút cuộc vẫn không thoát ra được những đề
tài đã mòn, dù tác giả tha thiết muốn đưa lại cho sân khấu một cái gì
mới mẻ. Điều đáng lưu ý trong mấy vở ấy có lẽ chỉ là những chú thích
hết sức tỉ mỉ hướng dẫn cách diễn xuất và bài trí sân khấu, hiếm thấy ở
các kịch bản cổ điển. Nhưng ở Diderot, “nhà lý luận ưu tú hơn nhà
soạn kịch”
các lý luận của ông về sân khấu và những ý kiến có liên
quan đến nghề nghiệp cụ thể của diễn viên có nhiều khía cạnh sắc sảo.
Ông trình bày những điều đó trong phần tiểu luận in kèm theo mỗi vở
kịch trên và đặc biệt trong Ý kiến ngược đời về diễn viên (Paradoxe sur
le comédien, 1770). Trước đó một năm, cuốn Garrick hay các Diễn