viên Anh (Garrick ou les acteurs anglais) được dịch và lưu hành ở
Pháp, một cuốn sách dở nên hầu như người ta chẳng để ý đến tác giả
của nó là ai. Một bản lọt vào tay Diderot và đúng như Grimm nói,
“những thứ tồi tệ nhất cũng có thể khơi gợi các suy nghĩ tuyệt diệu”,
nhiều ý kiến thú vị nảy ra trong đầu óc triết gia. Ông liền viết Những
nhận xét về cuốn sách nhan đề Garrick hay các Diễn viên Anh
(Observations sur la brochure intitulée “Garrick ou les acteurs
anglais”) và gửi cho tờ Thư tín văn học... đăng liền trong hai số, và ở
dạng viết tay như tất cả các số Thư tín văn học... khác của Grimm.
Diderot có một người bạn trẻ tên là Naigeon kém ông hai mươi
lăm tuổi và quen biết từ 1756. Ông rất tín nhiệm Naigeon tới mức năm
1778, khi đề tặng một tác phẩm của mình cho Naigeon, ông đã viết:
“Bạn cứ việc xử lý tác phẩm của tôi thế nào cũng được; bạn có thể tùy
ý tán thành, phản đối, thêm bớt”. Có lẽ vì thế nên sau khi Diderot qua
đời, Naigeon đã sửa lại Những nhận xét..., chủ yếu là mở rộng thêm
bằng cách đưa vào đây những ý kiến, hoặc dẫn chứng mà tác giả đã
nêu lên trong các tác phẩm khác. Những nhận xét... trở thành Ý kiến
ngược đời về diễn viên, được in lần đầu năm 1830, căn cứ vào bản
thảo của Naigeon. Tất nhiên khi đã có một bàn tay khác tham gia thêm
bớt thì tác phẩm không còn thuần nhất nữa, thậm chí có những đoạn,
những ý trùng lặp rất dễ phát hiện. Song, Naigeon có ý thức tôn trọng
tất cả những luận điểm và trật tự sắp xếp của nhà văn. Những nhận
xét... được trình bày dưới dạng hai bức thư đăng vào hai số Thư tín
văn học..., còn Ý kiến ngược đời về diễn viên mang hình thức đối thoại
giữa hai nhân vật không rõ tên, là hình thức cũng rất phù hợp với
phong cách của Diderot như ta thấy trong các tiểu thuyết của ông.
Khi Những tùy bút về hội họa lần đầu tiên được xuất bản, có
người đã viết bài ca ngợi như sau: ”... Người ta thấy Diderot hệt như
ông xưa kia: người ta gặp ông ở đây không trau chuốt, không trang
điểm, có thể nói là trong bộ đồ ngủ, và đôi khi người ta lại thích gặp