bên chủ trương gián cách, diễn viên không được hòa cảm với nhân
vật. Thực ra giữa hai trường phái có những điểm gần gũi với nhau.
Tuy chủ trương nhập thân, nhưng Stanislavski đồng thời cũng chỉ ra
rằng diễn viên sẽ không thành công nếu chỉ diễn theo những cảm
hứng, trực giác, xúc cảm cá nhân, vì đó là những người bạn đường
tính khi thất thường, không chắc chắn. Theo ông, nhà đạo diễn phải
tiến hành phân tích, chia nhỏ mỗi vai thành từng điệu bộ đơn giản,
từng “phần việc” bao gồm các lời nói và động tác, và diễn viên phải
hoàn thành đầy đủ các phần việc ấy trong khi cố gắng nhập vai. Nhập
thân là cũng phải trên cơ sở ấy.
Lý luận của Diderot đòi hỏi diễn viên phải hoàn toàn tỉnh táo,
không được nộp mình cho nhân vật, không được có một chút mẫn cảm
nào gợi cho ta liên tưởng đến cả Brecht và Stanislavski. Xét về một
mặt nào đấy, lý thuyết của Diderot dường như đưa ông đến gần với
Brecht hơn. Thực ra, Diderot lại cũng rất gần với Stanislavski ở chỗ
bao nhiêu “ý kiến ngược đời” của ông đều không ngoài mục đích tạo
cho sân khấu vẻ giống như thật đến mức cao nhất.
Ý kiến ngược đời về diễn viên của Diderot rõ ràng đã vượt qua
khuôn khổ thời đại ông và thực sự làm cho ông xứng đáng trở thành
người đối thoại của thời đại chúng ta trong lĩnh vực này.
✽✽✽
Diderot bàn về mỹ học và văn học nghệ thuật ở nhiều công trình
khác nhau. Chúng tôi lựa chọn giới thiệu trong khuôn khổ cuốn sách
này bảy công trình quan trọng của ông:
- Luận về cái đẹp (Traité du beau)
- Về những tác gia và các nhà phê bình (Des auteurs et des
critiques)
- Những tùy bút về hội họa (Essais sur la peinture)
- Châm biếm 1 (Satire I)