thống nhất có pha thêm sự đa dạng, sự đều đặn và sự trật tự trong mỗi
bộ phận.
Tôi sẽ chẳng công kích định nghĩa cái đẹp bằng những thứ mơ hồ
mà nó chứa đựng; ở đây tôi chỉ tạm nhận xét rằng nó là riêng biệt, và
nó chỉ có thể vận dụng vào kiến trúc, hoặc nhiều lắm là vào những tác
phẩm toàn cục lớn ở các thể loại khác, vào một bài hùng biện, vào một
vở kịch, v.v. chứ không thể vận dụng vào một từ ngữ, vào một ý tưởng,
vào một phần đối tượng.
Ông Hutcheson giáo sư danh tiếng về triết lý đạo đức ở trường
đại học Glasgow, tạo cho mình một hệ thống riêng biệt: ông chỉ tập
trung nghĩ rằng chẳng nên băn khoăn cái đẹp là gì nhiều hơn là băn
khoăn cái hữu hình là gì. Người ta hiểu cái hữu hình là cái được làm
ra để có thể nhận thấy bằng mắt; và ông Hutcheson hiểu cái đẹp là cái
được làm ra để có thể nắm bắt bằng giác quan bên trong về cái đẹp.
Giác quan bên trong về cái đẹp là một năng lực giúp chúng ta phân
biệt các vật đẹp, cũng như thị giác là một năng lực giúp chúng ta thu
nhận được khái niệm về các màu sắc và các hình dạng. Tác giả này và
các môn đệ của ông ra sức chứng minh sự có thật và sự cần thiết của
giác quan thứ sáu ấy, và họ lập luận như sau:
1. Họ bảo rằng tâm hồn chúng ta là bị động trước niềm hứng thú
cũng như trước sự ngán ngẩm. Các đối tượng không tác động đến
chúng ta đúng như chúng ta mong muốn; các đối tượng này gây cho
tâm hồn chúng ta một cảm giác hứng thú cần thiết; các đối tượng khác
lại nhất thiết làm cho chúng ta ngán ngẩm; mọi khả năng ý chí của
chúng ta chỉ là tìm kiếm loại đối tượng đầu và lảng tránh loại đối
tượng sau: chính thể tạng con người chúng ta, đôi khi có tính chất cá
nhân, khiến chúng ta thấy những cái này là dễ chịu và những cái khác
là khó chịu. (Hãy xem Nỗi phiền lòng và niềm hứng thú).
2. Có lẽ chẳng một đối tượng nào có thể tác động đến tâm hồn
chúng ta mà không ít nhiều là một nguyên nhân cần thiết gây nên niềm
hứng thú hay nỗi ngán ngẩm. Một gương mặt, một tác phẩm kiến trúc