Cái đẹp, trong các công trình của tự nhiên, theo họ cũng có cùng
cơ sở như thế. Họ bảo rằng hoặc các bạn quan sát hình dạng các thiên
thể, sự xoay vần của chúng, dáng vẻ của chúng; hoặc các bạn từ trên
trời xuống dưới đất, xem xét các cây cỏ bao phủ khắp nơi, các màu sắc
của những bông hoa, cơ cấu của các con vật, giống loài của chúng, cử
động của chúng, sự tương quan giữa các bộ phận của chúng, mối liên
quan giữa cơ chế của chúng với sự thoải mái của chúng; hoặc các bạn
tung mình lên không trung quan sát chim muông và khí tượng; hoặc
các bạn nhào xuống nước và so sánh các loài cá với nhau; đâu đâu các
bạn cũng gặp sự đồng dạng trong sự đa dạng; đâu đâu các bạn cũng
thấy các tính chất ấy được bù đắp ở các vật đẹp ngang nhau, và theo tỷ
lệ phối hợp không bằng nhau ở các vật không đẹp bằng nhau; nói tóm
lại, nếu lại được phép sử dụng ngôn ngữ của các nhà hình học, các bạn
sẽ thấy trong lòng đất, dưới đáy biển, trên thượng tầng khí quyển,
trong toàn bộ tự nhiên và trong mỗi bộ phận của nó, sự đồng dạng
trong sự đa dạng, và vẻ đẹp luôn luôn theo tỷ lệ phối hợp của hai tính
chất ấy.
Tiếp đó họ bàn về vẻ đẹp của các nghệ thuật mà sản phẩm không
thể xem như sự mô phỏng thật sự, như kiến trúc, các công nghệ cơ khí
và giai điệu tự nhiên; họ ra sức chứng minh các nghệ thuật ấy đều lệ
thuộc vào quy luật sự đồng dạng trong sự đa dạng của họ; và nếu
chứng cứ của họ sai sót, thì không phải là do liệt kê chẳng đủ; họ đi từ
tòa lâu đài lộng lẫy nhất đến ngôi nhà nhỏ bé nhất, từ công trình quý
giá nhất đến những thứ vặt vãnh, chỉ rõ bất cứ đâu thiếu sự đồng dạng
thì thành phóng túng, mà thiếu sự đa dạng thì thành nhạt nhẽo.
Nhưng có một lớp thực thể khác xa với những thực thể trên,
khiến các môn đệ của Hutcheson rất lúng túng; bởi vì người ta nhận
thấy có vẻ đẹp ở các thực thể ấy, thế nhưng quy tắc sự đồng dạng trong
sự đa dạng lại không áp dụng vào được: đó là việc chứng minh các
chân ly trừu tượng và phổ quát. Nếu một định lý chứa đựng vô vàn
những chân lý riêng biệt, chúng chỉ là sự triển khai của định lý, thì