đúng đắn, sự thanh nhã, sự nhịp nhàng, những cái đó thể hiện ở một
hành động đẹp, một vở kịch đẹp, một hòa tấu đẹp, và khiến cho các
sản phẩm luân lý, trí tuệ và hòa âm trở thành thuần nhất.
Một cái đẹp tự nhiên, trong phong tục chẳng phải cái gì khác mà
chỉ là sự tuân thủ cái đẹp bản chất trong hành vi của chúng ta liên
quan giữa chúng ta với các thực thể của tự nhiên; trong những công
trình trí tuệ, chỉ là sự mô phỏng và diễn tả trung thành các tác phẩm
của tự nhiên đủ mọi loại; trong hòa âm, chỉ là sự phục tùng các quy
luật mà tự nhiên đã đưa vào các thực thể phát ra âm thanh, sự cộng
hưởng của chúng và cấu tạo của đôi tai.
Một cái đẹp nhân tạo, trong các phong tục là làm theo các tập
quán của xứ sở mình, đặc tính của những người đồng bang và luật lệ
của họ; trong các công trình trí tuệ, là tôn trọng các quy tắc của lời
nói, hiểu biết ngôn ngữ và theo thị hiếu nổi trội; trong âm nhạc, là đưa
vào đúng lúc những âm không hài hòa, là sáng tác nhạc phù hợp với
những biến chuyển và âm hình thu nhận được.
Như vậy là, theo Cha André, cái đẹp bản chất và chân lý chẳng
phô bày ra ở nơi nào phong phú như trong vũ trụ; cái đẹp đạo đức,
như trong triết gia Cơ-đốc giáo; và cái đẹp trí tuệ, như trong một vở bi
kịch có kèm theo âm nhạc và bài trí.
Tác giả của công trình Bàn luận về tài năng và đạo đức (Essai sur
le mérite et la vertu) bác bỏ tất cả những sự phân biệt cái đẹp như trên,
và cùng với rất nhiều người khác cho rằng chỉ có một cái đẹp, mà nền
tảng là cái hữu ích: theo đó tất cả những gì được tổ chức sao cho có
thể sản sinh ra một cách hoàn hảo nhất hiệu quả mà người ta đặt ra cho
mình là đẹp một cách tuyệt đỉnh. Nếu các bạn hỏi ông ta thế nào là
một con người đẹp, ông sẽ trả lời các bạn đó là một con người mà tứ
chi rất cân đối góp phần vào việc hoàn thành các chức năng sinh vật
của con người một cách có lợi nhất. Ông ta sẽ nói tiếp rằng đàn ông,
đàn bà, con ngựa và các con vật khác có một vị trí trong tự nhiên: vả
chăng, trong tự nhiên, vị trí ấy quy định các nhiệm vụ phải hoàn