Tôi đồng ý với tác giả là trong mọi đánh giá của chúng ta luôn
xen lẫn một cái nhìn tế nhị vào bản thân mình, một sự ngoái lại không
nhận thấy được về chính chúng ta, và có cả ngàn cơ hội chúng ta
tưởng rằng chỉ bị quyến rũ bởi các dạng thức đẹp, và các dạng thức ấy
thực sự là nguyên nhân chủ yếu, chứ không phải là duy nhất, khiến
chúng ta ngưỡng mộ; tôi đồng ý rằng lòng ngưỡng mộ ấy không phải
bao giờ cũng thuần khiết như chúng ta hình dung: nhưng vì chỉ cần
một sự việc để lật nhào cả một hệ thống, chúng tôi buộc lòng phải từ
bỏ hệ thống của tác giả mà chúng tôi vừa dẫn ra, mặc dù trước kia
chúng tôi đã hâm mộ các ý tưởng của ông; và đây là những lý lẽ của
chúng tôi:
Chưa ai cảm thấy rằng sự chú ý của chúng ta chủ yếu hướng về
sự giống nhau của các bộ phận, ngay trong các đồ vật mà sự giống
nhau ấy chẳng hề góp phần vào sự hữu ích; miễn rằng các chân của
một chiếc ghế tựa đều nhau và chắc chắn, các chân ghế không có cùng
hình dạng thì có can hệ gì? Chứng có thể khác nhau về điểm ấy song
chẳng vì thế mà kém hữu ích. Một chân có thể thẳng, chân khác có thể
như chân hươu; chân này ưỡn ra ngoài, chân kia cong vào trong. Nếu
ta làm một cái cửa thành dạng quan tài, hình dạng ấy xem ra có lẽ sẽ
tương xứng với thân hình người hơn bất cứ hình dạng nào khác mà
người ta theo. Trong kiến trúc, những sự mô phỏng tự nhiên và các sản
phẩm của tự nhiên thì có ích lợi gì? Nhằm mục đích gì mà lại đặt một
cột trụ và những dây hoa lá trang trí vào chỗ lẽ ra chỉ cần một cái cọc
gỗ hoặc một khối đá? Những cột trụ hình người kia có ích lợi gì? Một
cái cột có phải để làm chức năng một con người không, hoặc một con
người có bao giờ sinh ra để làm công việc của cái cột trong góc một
tiền sảnh? Tại sao người ta lại mô phỏng các thực thể tự nhiên trên các
đầu cột đầu tường? Trong sự mô phỏng ấy, các tỷ lệ được tuân thủ
đúng hay sai thì có can hệ gì? Nếu sự hữu ích là cơ sở duy nhất của vẻ
đẹp, thì các hình chạm nổi, các đường xoi, các hình loe ở đầu cột, và
tất cả các vật trang trí nói chung đều trở nên lố bịch và thừa.