về nó một cách khiến cho mọi người khác yêu mến nó, nếu bạn không
thấy rung cảm? Trở về giao tiếp với mọi người, bạn hãy lắng nghe
nhiều những ai nói đúng; và bạn hãy thường xuyên tự nói với bản thân
mình.
Ông bạn ơi
, ông biết Ariste
; tôi sẽ kể cho ông câu chuyện này
mà Ariste cho tôi biết. Hồi đó ông ấy bốn mươi tuổi, ông ấy đặc biệt
say mê nghiên cứu triết học. Người ta mệnh danh ông ấy là triết gia,
bởi vì ông ấy vốn chẳng có tham vọng, vì ông ấy có tâm hồn lương
thiện, và vì lòng đố kỵ chẳng bao giờ làm cho tâm hồn dịu dàng và
thanh thản ấy đổi khác đi. Thêm nữa, tư thế trang trọng, phẩm cách
nghiêm khắc, nói năng khô khan và giản dị, hầu như ông ấy chỉ thiếu
tấm áo khoác của một triết gia cổ đại; bởi lẽ ông ấy nghèo và bằng
lòng với cảnh nghèo khổ của mình.
Một hôm ông ấy định trò chuyện vài tiếng đồng hồ về văn
chương và về đạo đức với mấy người bạn, vì ông không thích nói về
những việc công cộng, họ đều đi vắng, và ông ấy quyết định đi dạo
chơi một mình.
Ông ấy ít lui tới những chốn tụ tập đông người. Ông ưa các nơi
hẻo lánh hơn. Ông vừa đi vừa mơ mộng và đây là những điều ông tự
nói với mình:
Ta bốn mươi tuổi. Ta đã nghiên cứu nhiều; thiên hạ gọi ta là nhà
triết học. Thế nhưng nếu có ai đến đây nói với ta: “ông Ariste ơi, cái
thật, cái tốt và cái đẹp là gì nhỉ?” liệu ta có sẵn câu trả lời không?
Không. “Thế nào, ông Ariste ơi, ông không biết cái thật, cái tốt và cái
đẹp là gì; thế mà ông chịu để cho thiên hạ gọi ông là nhà triết học!”
Sau chốc lát suy nghĩ về sự hão huyền của những lời người ta ca
ngợi vu vơ hết lời và người ta chấp nhận mà chẳng ngượng ngùng,
ông ấy liền truy tìm nguồn gốc những ý niệm cơ bản kia từ thái độ và
những phán đoán của chúng ta; và ông ấy tiếp tục biện luận với chính
mình như thế này.